1. Khái quát chung
Theo Kenneth L. Knight và Alan Stone 1977 giống muỗi Culex Linnaeus, 1758 thuộc phân họ muỗi Culicinae gồm 22 phần giống, trên toàn thế giới khoảng 728 loài. Ở Thái Lan: Theo Ralph A. Bram, 1967 có 7 phần giống gồm 60 loài; năm 2005 Rampa Rattanarithikul công bố có 5 phần giống gồm 82 loài. Ở Việt Nam theo Chester J. Stojanovich và Harold George Scott 1966 có 6 phân giống, gồm 33 loài.
Muỗi Culex
2. Đặc điểm hình thái
2.1. Trứng
Trứng hình bầu dục, thường dính thành bè nổi trên mặt nước. Giống muỗi Culex đẻ trứng thành bè khoảng trên 100 trứng cho tới 200 trứng và nổi trên mặt nước. Tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường mà trứng có thể nở thành bọ gậy khoảng 2-3 ngày sau khi đẻ.
Trứng Cx. quinquefasciatus (a) và muỗi đẻ trứng (b)
2.2. Bọ gậy
Bọ gậy muỗi Culex có ống thở thường nhỏ, dài và thẳng
Bọ gậy Cx. quinquefasciatus
2.3. Quăng
Quăng muỗi Culex hình như một dấu hỏi lớn có ống thở hình ống
2.4. Muỗi trưởng thành
Đa số muỗi giống Culex có kích thước trung bình và nhỏ màu nâu vàng, chân muỗi cái thường có pulvi, móng chân con cái đơn không răng. Bọ gậy giống Culex thường có chỉ số xi phông lớn và có nhiều đôi chùm lông ở xi phông, đặc biệt có một mấu lồi ở gốc xi phông.
Muỗi Culex trưởng thành: Cx. quinquefasciatus (trái) và Cx. tritaeniorhynchus (phải)
3. Đặc điểm sinh học, sinh thái
Muỗi Culex thường gặp khắp mọi nơi và có số lượng phong phú nhất so với tất cả các loài muỗi. Bọ gậy sinh sống ở nhiều dạng ổ nước khác nhau: từ hố vũng, cống rãnh chứa nước thải đến ao hồ, mương máng, đặc biệt có nhiều ở ruộng lúa, có khi còn gặp ở trong các bể nước ăn.
Vòng đời muỗi Culex
3.1. Cx. quinquefasciatus
Bọ gậy Cx. quinquefasciatus sống chủ yếu ở các cống rãnh chứa nước thải, các hố vũng, các dụng cụ chứa nước thải và nước ăn, ngoài ra còn gặp bọ gậy ở ao hồ, mương, lạch, ruộng lúa nhưng số lượng bắt gặp ít hơn. Ô bọ gậy ưa thích nhất của muỗi Cx. quinquefasciatus là nơi chứa nước thải tù đọng giàu chất hữu cơ trong khu vực dân cư. Do vậy vào mùa khô (từ tháng 12 – 4) với lượng mưa thấp nên có nhiều nơi chứa nước tù đọng, thích hợp cho bọ gậy Cx. quinquefasciatus phát triển. Đến mùa mưa, lượng mưa lớn làm trôi các ổ bọ gậy nên mật độ muỗi Cx. quinquefasciatus giảm.
Muỗi Cx. quinquefasciatus thích hút máu người hơn so với máu gia súc.
Muỗi Cx. quinquefasciatus hoạt động hút máu chủ yếu vào ban đêm. Thời gian hoạt động của chúng diễn ra cao nhất từ 22h đến 3h sáng, trùng hợp với thời gian ấu trùng giun chỉ bạch huyết xuất hiện ở máu ngoại vi của người. Vì vậy đặc điểm tìm mồi của muỗi Cx. quinquefasciatus rất có ý nghĩa trong việc lây nhiễm kí sinh trùng giun chỉ và chúng là vật trung gian truyền bệnh cho người.
Muỗi Cx. quinquefasciatus trú đậu tiêu máu chủ yếu trong nhà. Ở trong nhà muỗi thường trú đậu ở những chỗ tối, kín gió và ẩm, trên các dây treo quần áo, trong gầm giường, gầm tủ, góc nhà ẩm thấp. Ngoài ra còn gặp muỗi đậu nghỉ ở vách nhà, bờ tường và các đồ dùng khác có trong nhà. Muỗi hoạt động suốt đêm, nhưng đến lúc bình minh thì hầu hết muỗi đã tìm được nơi trú ẩn thích hợp. Ở ngoài trời gặp muỗi trú đậu ở bụi cây, hầm hố nhưng ít hơn.
3.2. Cx. tritaeniorhynchus
Hầu hết các tác giả nghiên cứu về muỗi Cx. tritaeniorhynchus đều cho rằng chúng sinh sản và phát triển chủ yếu ở ruộng lúa. Nghiên cứu phân bố của ổ bọ gậy muỗi Cx. tritaeniorhynchus ở đồng bằng Bắc Bộ theo các loại sinh cảnh như: Ở nông thôn; ven nội thành, nội thị; trong nội thành, nội thị thấy rằng: Sự phát triển của bọ gậy Cx. tritaeniorhynchus phụ thuộc vào nhiệt độ, chế độ canh tác lúa màu trên đồng ruộng và phụ thuộc lượng mưa. Bọ gậy có đỉnh cao vào đầu và cuối mùa mưa, vào giữa mùa mưa mật độ muỗi giảm do lượng mưa lớn làm cuốn trôi bọ gậy. Còn ở các vùng ven nội, các thủy vực có trong vùng đều là môi trường rất thuận lợi cho ấu trùng muỗi Cx. tritaeniorhynchus sinh sống phát triển, đặc biệt là các hố vũng và rãnh, số lượng và tần suất bắt gặp chúng rất thấp ở nội thành.
Muỗi Cx. tritaeniorhynchus thích hút máu trâu bò nhất, sau đó là lợn rồi đến người. Qua điều tra muỗi hoạt động tìm mồi vào ban đêm ở trong nhà, ở chuồng trâu bò và ở chuồng lợn, thấy muỗi tấn công trâu bò với mật độ cao hơn so với muỗi vào đốt người ở trong nhà và muỗi vào chuồng lợn. Tuy vậy khả năng vừa đốt người, vừa đốt gia súc của chúng là yếu tố quan trọng trong việc lan truyền bệnh.
Mùa phát triển của muỗi Cx. tritaeniorhynchus ở trên thế giới và trong nước đều cho rằng, mùa phát triển của chúng liên quan đến việc trồng lúa và phụ thuộc vào cả lượng mưa. Muỗi Cx.tritaeniorhynchus phát triển quanh năm, nhưng có mật độ cao từ tháng 4 đến tháng 9, tùy địa phương và tùy năm mùa muỗi có thể tới sớm từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 10. Trong thời gian này thời tiết ấm áp và các ruộng lúa hầu như thường xuyên có nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loại muỗi này. Mùa phát triển của muỗi phù hợp với diễn biến của bệnh viêm não Nhật Bản, dịch thường xảy ra về mùa hè và tháng 6 có số người mắc cao nhất, chiếm 73,81% tổng số người mắc bệnh. Nghiên cứu ở nội thành Hà Nội cho thấy có 2 đỉnh, một đỉnh vào tháng 3, 4 và 1 đỉnh vào tháng 8, nhưng ở ngoại thành chỉ có 1 đỉnh vào tháng 9.
Muỗi Cx. tritaeniorhynchus hoạt động tìm mồi vào nửa đầu của đêm (từ 20 – 23h), vào khoảng giữa đêm (23 – 3h) hoạt động của muỗi giảm xuống, từ 3h 5h hoạt động của chúng có tăng lên nhưng số lượng so với nửa đầu của đêm thấp hơn. Với mồi người trực tiếp suốt đêm cho thấy mật độ muỗi đốt người ngồi ở ngoài hiên cao hơn so với ngồi ở trong nhà.
Quan sát tập tính rình mồi và đậu nghỉ của muỗi cho thấy, trước và sau khi đốt mồi, muỗi đều có một thời gian nghỉ ở gần với đối tượng hút máu, đó là các bờ tường, vách chuồng gia súc và các cây bụi cạnh chuồng; sau khi hút máu xong trong vòng 1 – 2 giờ, muỗi bay đi tìm nơi ẩn náu, đến sáng hầu hết muỗi đã rời khỏi nơi hút máu tìm nơi trú ẩn. Các địa điểm ngoài trời muỗi thường trú đậu là các bụi cây ở bờ dậu, cây nhỏ trong vườn, ruộng lúa, dưới cánh các cây bèo ở ao hồ, các hốc đất ẩm thấp và kín gió. Tập tính trú đậu tiêu máu của muỗi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khí hậu đặc biệt bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lượng mưa. Trong những tháng mưa nhiều số lượng muỗi trú ẩn trong nhà và chuồng gia súc vào ban ngày gia tăng.
4. Phân bố
Một số loài thuộc giống giống Culex là véc tơ truyền bệnh giun chỉ bạch huyết W. bancrofti ở các vùng khác nhau trên thế giới như sau:
- Cx. quinquefasciatus : Truyền bệnh khắp toàn cầu
- Cx. bitaeniorhynchus : Nam Á, Tân Ghi Nê
- Cx. sitiens : Nam Á
- Cx. pipiens pallens : Đông Phương
- Cx. annuliorostris : Tân Ghi Nê
Loài muỗi Cx. quinquefasciatus phân bố rộng khắp toàn cầu. Ở Việt Nam, muỗi Cx. quinquefasciatus phân bố trên toàn lãnh thổ.
Muỗi Cx. tritaeniorhynchus là loài tương đối phổ biến ở Việt Nam. Sự phân bố của chúng ở các vùng địa lý tự nhiên không có sự khác biệt rơ rệt. Tuy nhiên, sinh cảnh ở nông thôn thích hợp cho sự phát triển của muỗi C. tritaeniorhynchus hơn so với các sinh cảnh ở thành thị. Điều này rất phù hợp với đặc điểm sinh thái học của muỗi, chúng sinh sản và phát triển chủ yếu ở ruộng lúa, mương, rãnh, ưa đốt trâu bò, lợn và ít đốt người.
5. Vai trò gây bệnh, gây hại
Ngoài ra, một số loài muỗi giống Culex còn là véc tơ chính truyền bệnh viêm não Nhật Bản như: Cx.tritaeniorhunchus, Cx. fuscocephala, Cx.gelidus, Cx. vishnui…
Ở Việt Nam, muỗi Cx. quinquefasciatus là véc tơ chính của bệnh giun chỉ W. bancrofti chu kỳ đêm, Cx.tritaeniorhunchus là véc tơ chính truyền viêm não Nhật Bản. Ở đây, chúng tôi tập trung chủ yếu vào 2 loài véc tơ chính của giống muỗi Culex là Cx. tritaeniorhunchus và Cx. quinquefasciatus.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (năm 1984, 1992), Cx. quinquefasciatus là trung gian chính truyền bệnh giun chỉ W.bancrofti trên khắp thế giới. Hiện nay bệnh giun chỉ gần như rất hiếm gặp ở Việt Nam, mặc dù mật độ muỗi Cx. quinquefasciatus không giảm mà ở một số nơi có xu hướng tăng lên song song với quá trình đô thị hóa.
Muỗi Cx. tritaeniorhynchus được nhiều tác giả chứng minh là véc tơ chính truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.
6. Biện pháp phòng chống
- Biện pháp chủ đạo nhất trong phòng chống muỗi Culex là biện pháp sinh học, quản lý và vệ sinh môi trường. Đây là loài muỗi có sức chịu đựng cao với các hóa chất diệt côn trùng, vì vậy để phòng chống muỗi phải cải tạo điều kiện sống, vệ sinh nhà cửa, cống rãnh để triệt phá nơi trú ẩn, nơi sinh đẻ của muỗi. Biện pháp phun hóa chất chỉ sử dụng khi có dịch xảy ra.
- Dùng chế phẩm vi khuẩn B.thuringiensis, bèo hoa dâu để diệt bọ gậy muỗi Cx. tritaeniorhynchus và nên tiến hành các biện pháp từ tháng 3 hàng năm. Dùng các chế phẩm vi khuẩn phun vào các thủy vực để diệt bọ gậy Cx. quinquefasciatus và nên tiến hành vào mùa khô khoảng tháng 12 hoặc tháng 1 hàng năm.
- Sử dụng các biện pháp diệt muỗi, làm giảm mật độ muỗi: cơ, lí, cải tạo môi trường, hóa học (các thuốc xua diệt…), sinh học (thả cá, mesocyclop… vào ruộng).
- Phòng muỗi đốt bằng cách bôi thuốc xua, tẩm thuốc xua diệt vào quần áo, nằm màn có tẩm permethrin.
Có thể bạn quan tâm