Mối và cách phòng trừ mối cho công trình xây dựng để đảm bảo an toàn

1. Mối gây hại

Mối là côn trùng đa hình thái, chúng có đời sống xã hội chặt chẽ, sống kín đáo trong đất và trong các giá thể bằng gỗ, mối gây thiệt hại lớn cho ngành lâm nghiệp, thuỷ lợi, xây dựng, kiến trúc. Mối không những phá hoại những nhà tranh tre nứa lá, nhà cấp 4 mà chúng xâm nhập gây hại những cấu kiện bằng gỗ trong cao ốc nhiều tầng, chúng còn phá hại các loài cây công nghiệp như cao su, cà phê, mía, chè, mối phá hại các sản phẩm có nguồn gốc từ xenlulozo. Ở Việt Nam theo thống kê chưa đầy đủ mỗi năm mối gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng (Nguyễn Chí Thanh, 1999).

1.1. Đặc trưng hình thái bên ngoài của mối

Mối là côn trùng đa hình thái, mỗi một tổ mối tự hình thành một quần thể, đầu tiên từ một đôi mối cánh (sau này gọi là mối vua và mối chúa nguyên thuỷ) chúng bắt đầu giao phối và đẻ trứng, sau đó nở thành mối non, từ mối non sau phân hoá thành hai loại hình lớn là loại hình sinh sản và loại hình không sinh sản. ở hai loại hình lớn này có thể phân chia thành nhiều đẳng cấp, trong loại hình không sinh sản có mối lính và mối thợ còn loại hình sinh sản có mối cánh, và mối cánh ngắn (có khi còn gọi là mối giống).

Thân thể của mối cũng giống như những côn trùng khác gồm có 3 phần là đầu, ngực và bụng. Đầu có thể cử động tự do và có các khí quan quan trọng như miệng, râu đầu và mắt, 3 đốt ngực có 3 đôi chân, ở thành trùng có cánh còn có 2 đôi cánh. Bụng có 7 đốt bên trong có cơ quan tiêu hoá, sinh sản, các lỗ thở ở hai bên các đốt bụng.

1.2. Đặc tính sinh vật học của mối

a. Đẳng cấp loại hình của mối

Trong quần thể mối có 2 loại hình lớn là: Mối sinh sản và mối không sinh sản. Trong mỗi loại hình này lại chia ra nhiều đẳng cấp (phân cấp) khác nhau:

(1) Loại hình sinh sản hay gọi là mối sinh sản

Đối với loại hình này có thân hình tương đối lớn, nhất là mối chúa có phần bụng cực kỳ to, cơ thể chúng có cơ quan sinh sản phát dục hoàn chỉnh, nên trong quần thể mối chúa có chức năng giao phối và đẻ trứng, về nguồn gốc và hình thái trong loại hình này không giống nhau có thể chia thành 3 đẳng cấp như sau:

  • Mối vua và mối chúa nguyên thuỷ Mối cánh trưởng thành sau khi bay giao hoan, rụng cánh ghép đôi, giao phối và đẻ trứng gọi là mối vua mối chúa nguyên thuỷ (đầu tiên). Về hình thái có màu thẫm hơn, rắn chắc hơn, có mắt kép và mắt đơn phát triển. Một đặc điểm để nhận biết là mặt lưng của ngực giữa và ngực sau còn giữ lại hai đôi vẩy cánh, chúng có sức sinh sản lớn, mối vua có chức năng thụ tinh, mối chúa sinh sản.
  • Mối vua mối chúa bổ sung cánh ngắn Loại hình này có thể không phải là đẳng cấp phổ biến tồn tại. Về hình thái thì màu sắc của thân hơi nhạt và mềm hơn, có mắt kép và có đặc điểm để nhận biết là ngực giữa và ngực sau có hai đôi cánh nhỏ, ngắn giống như cánh con cào cào còn non, sức sinh sản yếu hơn mối vua và mối chúa nguyên thuỷ. Mối vua và mối chúa cánh ngắn thường xuất hiện khi mối vua và mối chúa nguyên thuỷ chết, nhưng cũng có khi tồn tại đồng thời với mối vua và mối chúa nguyên thuỷ.
  • Mối vua và mối chúa không cánh Loại hình này tồn tại không phổ biến, ít thấy, về hình thái thì màu sắc thân thể nhạt thường là màu vàng có khi màu trắng, cơ thể mềm, không có cánh và mắt kép. Một đặc điểm nổi bật về mặt sinh học là mối vua và mối chúa không cánh không bao giờ bay ra khỏi tổ vì không có cánh đầy đủ và không có cánh để bay giao hoan phân đàn như mối cánh trưởng thành đồng loại, loại hình này thường xuất hiện khi mối vua và mối chúa nguyên thuỷ chết.

(2) Loại hình không sinh sản

  • Mối lính: Mối lính thuộc đẳng cấp thứ 2 trong loại hình không sinh sản. Trong chủng loại mối thì ngoài giống Anoploptermes không có mối lính ra, những chủng loại còn lại đều có mối lính. Đối với phân họ Nasutitermitinae, hàm trên nhỏ, phần trán kéo dài thành dạng dài gọi là ống trán, còn các mối lính thuộc họ khác đều có hàm trên phát triển. Mối lính có chức năng bảo vệ quần thể mối. Do chuyên hoá bộ phận miệng, hàm trên rất phát triển dùng để bảo vệ nên mối lính mất đi chức năng tự lấy thức ăn cho mình, để tồn tại cho mối lính, mối thợ đã phải mớm thức ăn cho mối lính. Đối với một số loài có hai loại mối lính: mối lính to và mối lính nhỏ.
  • Mối thợ (Mối lao động): Mối thợ là đẳng cấp chiếm đông nhất trong loại hình không sinh sản của quần thể mối. Đối với những họ mối tương đối nguyên thuỷ như Kalotermitidae và Termopsidae thì thường thiếu mối thợ còn các họ khác thì mối thợ chiếm đại đa số. Cũng giống như mối lính, mối thợ cũng chia ra đực và cái nhưng cơ quan sinh sản phát dục không hoàn chỉnh, do vậy chúng không đẻ được trong quần thể mối. Mối thợ đảm nhận nhiệm vụ kiếm thức ăn, xây tổ, làm đường mui, mớm thức ăn cho mối vua mối chúa, mối lính, chăm sóc mối non, vận chuyển trứng mối để duy trì sinh sống của quần thể mối, về hình thái mối thợ gần giống mối non, nhưng thân hình lớn hơn mối non, mối thợ thân có màu thẫm hơn nhất là bộ phận miệng của mối thợ được kitin hoá cao, nên rắn chắc và có màu nâu hoặc màu thẫm. Đại đa số mối thợ có một loại nhưng cũng không ít loài có hai loại mối thợ: mối thợ to và mối thợ nhỏ như Macrotermes Annandalei Silv. Về kích thước thì mối thợ to lớn hơn mối thợ nhỏ rất rõ rệt nhưng chức năng giữa chúng với nhau thì chưa được nghiên cứu rõ ràng.

b. Thời kỳ bay giao hoan phân đàn

Hiện tượng bay giao hoan phân đàn (vũ hoá) là một đặc tính sinh học của mối, qua đó mà mối duy trì được nòi giống và phát triển. Theo tài liệu đã được công bố thì ở nước ta mối bay giao hoan phân đàn từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, nhưng thời gian bay giao hoan sớm hay muộn tuỳ thuộc vào từng loài mối và khí hậu cụ thể hàng năm mà thay đổi, nhưng thời gian bay giao hoan phân đàn tập trung vào tháng 4, 5, 6 và 7

Trong quá trình phát triển quần thể mối thì sự hình thành mối cánh trưởng thành (thành trùng có cánh) là khâu quan trọng nhất để quần thể mối tiến hành phân đàn sinh sản. Thiếu trùng (mối non cánh ngắn – mối cánh ngắn) sau khi hoàn thành lần lột xác cuối cùng thì thành mối cánh trưởng thành. Đôi khi mối cánh trưởng thành còn lưu lại trong quần thể mà nó đang sống một thời gian đợi đến khi điều kiện ngoại cảnh thích nghi mới bay khỏi quần thể mà ra ngoài, hiện tượng này gọi là phân đàn, bay giao hoan. Đối với loài Reticulitermes speratus Kolbe thì bay giao hoan vào mùa xuân, khi trời ấm áp, nhiệt độ không khí đạt 20oC, áp suất không khí vào lúc trưa và chiều là 760 mmHg. Mối cánh trưởng thành có thể bay giao hoan toàn bộ một lần, cũng có thể do một nguyên nhân nào đó chúng không bay cả một lần mà giữ lại một số cá thể sẽ đợi bay vào một lần sau. Do vậy cùng một loài mối trong cùng một vùng, một năm có thể có nhiều lần bay giao hoan

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mối cánh trưởng thành khi còn sống trong quần thể thì giữa mối cánh trưởng thành đực và mối cánh trưởng thành cái rất ” thờ ơ” với nhau, khi chúng còn mang trên cơ thể đôi cánh dài hoàn chỉnh thì chúng không ghép đôi và giao phối, chỉ khi mối cánh trưởng thành bay ra khỏi quần thể mối, chúng bay lượn nhiều vòng qua lại, sau đó đậu xuống đất, lúc này con đực và con cái tiếp xúc với nhau, sau đó hai đôi cánh rụng đi để lại vẩy cánh, con cái đi trước, con đực đi sau ghép đôi, giao phối đẻ trứng, một tổ mối mới được hình thành. Do vậy, trong một tổ mối ví dụ như Coptotermes formosanus Shir không bao giờ có mối vua và mối chúa mang cánh dài, chỉ có mối vua mối chúa nguyên thuỷ và mối vua mối chúa cánh ngắn mà thôi.

c. Sự hình thành tổ mối

Khác với các loài côn trùng hại gỗ khác là mối sống trong tổ mối, tổ mối này là đại bản doanh hay là “mái nhà chung” cho quần thể mối có nhiều cá thể, còn côn trùng cánh cứng hại gỗ thì thường sống trong hang của mỗi cá thể. Đối với họ mối có đẳng cấp thấp cho thấy tổ đơn giản như họ Kalotermitidae, Termopsidae thì tổ chỉ là những khoang nhỏ trong gỗ, còn các họ mối có đẳng cấp cao hơn như Rhinotermitidae, Termitidae thì tổ mối phức tạp hơn, trong tổ có cung vua, có đường giao thông đi lại…, thông thường người ta chia làm 3 loại tổ mối.

  • Mối sống trong gỗ Loại tổ mối này thường làm trong gỗ, tổ đơn giản như giống mối gỗ khô Cryptotermes, tổ không có liên hệ với đất, hoặc tổ trong cành cây khô như Gryptotermes càng không liên hệ với đất.
  • Mối sống trong đất Đối với những loài này chúng dựa vào đất để làm tổ, thường ở gần phần rễ của cây hoặc cầu thang, cột gỗ chôn trong đất. Tổ của nhóm mối này có thể chìm trong đất hoặc nửa nổi nửa chìm trong đất như Odontotermes, Macrotermes, Capritermes, (Termitidae).
  • Mối sống trong gỗ và đất Tổ của những loài mối này có thể ở trong gỗ đã khô, hoặc trong thân cây, cột nhà chôn trong đất hoặc tổ ở trong đất. Đương nhiên tổ của chúng được xây dựng ở trong gỗ nhưng vẫn có đường giao thông nối liền với đất và nguồn nước như giống Coptotermes và Reticulitermes (Rhinotermitidae).

d. Thức ăn của mối

Thức ăn của mối chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật, các loại nấm được cấy trong tổ, có khi chúng ăn cả da của đồng loại lột xác, thi thể của đồng loại trong một tổ mối, thậm chí khi hiếm thức ăn lên đến cực điểm chúng nuốt cả trứng mối và mối non, nhưng đó không phải là nguồn thức ăn chủ yếu của chúng. Trong quần thể mối, mối thợ đảm nhận nhiệm vụ rất chủ yếu này. Quá trình dinh dưỡng của mối diễn ra như sau: Đầu tiên thức ăn do mối thợ nuốt vào trong cơ thể, sau đó mối thợ đem thể dịch thức ăn đã được tiêu hoá hoặc tiêu hoá một phần có trong cơ thể ựa ra đường miệng hoặc bài tiết ra đường hậu môn để bón cho mối vua, mối chúa, mối lính, mối non mà bản thân chúng không lấy được thức ăn, giữa những mối thợ cũng bón lẫn cho nhau bằng miệng. Đương nhiên thành phần dinh dưỡng trong thức ăn ở trong ruột bị hấp thụ hết thì bài tiết ra những viên phân mối và thường thường được dùng viên phân này làm nguyên liệu xây tổ mối. Quá trình tiêu hoá thức ăn diễn ra như vậy là nhờ trong ruột mối có vi sinh vật cộng sinh và những vi sinh vật cộng sinh này có khả năng phân huỷ xenlulo thành monoxacarit là sản phẩm mà mối có thể hấp thụ được.

1.3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của quần thể mối

  • Ẩm độ và nước: Tuỳ theo loài mối mà nhu cầu về nước có khác nhau. Đối với mối gỗ khô thì nhu cầu về nước không nhiều, tổ mối không thông với đất và nguồn nước. Đối với gỗ ẩm ví dụ như giống Coptotermes, Reticulitermes (Rhinotermitidae) hoặc Odontotermes, Macrotermes… (Termitidae) thì nhu cầu về nước cao hơn nhiều và không thể thiếu nước, thiếu nước mối sẽ chết do vậy tổ của những giống mối này nhất thiết phải liên hệ với đất và nguồn nước. Mối lấy nước đưa về tổ, mối thợ tiếp nước cho mối vua, mối chúa, mối non. Đối với các giống mối thuộc họ mối đất Termitidae thì nước còn là nguồn cung cấp độ ẩm cho nấm trong vườn nấm phát triển, mối còn dùng nước nhào luyện với đất để xây tổ, xây đường mui để mối đi lại. Mối lấy nước trực tiếp bằng cách uống nước tự do, hút nước trong đất, trong thức ăn, nước được mang về tổ dưới dạng những viên đất đã được thấm nước và dự trữ vào vách của tổ, trong vườn cấy nấm. Độ ẩm không khí trong tổ mối thường gặp vào khoảng 95-98%.
  • Nhiệt độ: Tổ mối có kiến trúc đặc biệt, kín đáo và ở một mức độ nhất định quần thể mối hoạt động và có khả năng điều hoà nhiệt độ làm cho nhiệt độ trong tổ ít thay đổi, mặc dù nhiệt độ bên ngoài tăng hay giảm. Khi nhiệt độ môi trường bên ngoài giảm dần, trời trở lên lạnh mối ít đi xa kiếm ăn, tập trung về tổ chính, các cá thể trong tổ mối hoạt động mạnh tăng cường hấp thụ Oxy và thoát hơi nước để điều hoà nhiệt độ.

Về mùa hè mối phân tán đi kiếm ăn xa, đào thêm hang mới, đến những nơi ấm áp, ẩm thấp, ít tập trung ở tổ chính, nên mùa hè nhiệt độ môi trường bên ngoài tăng nhưng nhiệt độ trong tổ không tăng.

  • Ánh sáng: ánh sáng có ảnh hưởng đến đời sống của mối hay không cũng có một số điều cần thảo luận. ánh sáng ảnh hưởng nhiều hay ít đến mối còn tùy thuộc vào loài mối. Đối với các loài mối T.redemani, E. monoceros, E.ceylonicus thường bò lộ thiên trên mặt đất, một số loài khác như Coptotermes formosanus, Odontotermes yunnanensis thì chúng lại đắp đường mui để đến nguồn nước hoặc thức ăn. Trong cùng một loài mối các đẳng cấp khác nhau cũng chịu ảnh hưởng của ánh sáng khác nhau. Ví dụ đối với loài mối nhà Coptotermes formosanus thì mối cánh có tính xu quang (thích ánh sáng) rất mạnh, khi vũ hoá chúng bay ra khỏi tổ lập tức bâu tập trung đến các loại đèn, nhưng mối thợ, mối lính đi đến đâu đắp đường mui đến đó để tránh ánh sáng rọi vào cơ thể chúng. Trong quá trình gặm gỗ loài mối này thường chừa lại một lớp gỗ rất mỏng, một mặt giữ ẩm độ trong hang chúng đang hoạt động nhưng đồng thời cũng ngăn không cho ánh sáng lọt vào, bên cạnh hiện tượng trên, có một điều khác lạ là cùng loài mối này nếu mối đi trong ống tuýp thuỷ tinh thì chúng lại không đắp đường mui và ánh sáng vẫn chiếu vào mối bình thường. Có một điều các nhà mối học để đi đến thống nhất là ánh sáng đột ngột chiếu vào mối thì có sự phản ứng đối với mối làm cho chúng di tản đi và sau đó tập trung trở lại. Căn cứ vào đặc tính sinh học này của mối những người làm công tác diệt mối theo phương pháp lây nhiễm sẽ phun chế phẩm vào thời điểm mà mối tập trung vào trong hộp nhử có số lượng nhiều nhất.
  • Các chất hoá học: Mối là loài côn trùng rất mẫn cảm với các chất hoá học, ví dụ như DDT vừa độc với côn trùng lại có mùi hôi khác thường thì mối đắp đường vượt qua hoặc tránh xa, còn đường thực phẩm là một trong những chất hấp dẫn mối nên mối đánh hơi được chúng sẽ tập trung đến để ăn đường. Lợi dụng hiện tượng này những người làm công tác chống mối thường tẩm nước đường vào gỗ mồi để thu hút mối vào hộp rồi phun thuốc diệt chúng.

2. Các loài mối gây hại cho công trình xây dựng thường gặp ở Việt Nam

Hiện nay, ở nước ta đã phát hiện được một số loài mối phá hại đồ gỗ, phá hại những cấu kiện bằng gỗ trong các công trình xây dựng. Tuỳ theo loài mối mà mức độ phá hại nghiêm trọng khác nhau, đối với công trình xây dựng. Qua bảng 1.6, chúng ta sẽ nhìn rõ hơn một cách khái quát về chủng loại mối phân bố ở Việt Nam, trong đó có một số loài mối hại gỗ nghiêm trọng, sẽ được mô tả tương đối tỷ mỷ về phân bố, hình thái, sinh học, gỗ ký chủ và điểm qua cách phòng trừ có tính đặc trưng cho từng loài. Ba loài mối đại diện cho 3 họ sẽ được giới thiệu ở phần tiếp theo:

  • Cryptotermes domesticus Haviland (Kalotermitidae)
  • Coptotermes formosanus Shiraki (Rhinotermitidae)
  • Odontotermes (o) formosanus Shiraki (Termitidae)

2.1. Mối gỗ khô Cryptotermes domesticus Haviland

* Phân bố:

  • Trong nước: Phân bố rất rộng, từ đồng bằng đến trung du miền núi đều phát hiện thấy loài này.
  • Ngoài nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Australia, Solomon, Srilanka, Fiji, Samoa, Panama, Indonesia.

* Hình thái:

  • Mối lính: Phần trước của đầu màu đen, phần sau có màu nâu hồng, hàm trên có màu đen nhìn từ phía bên, trán thẳng đứng hoặc vát lõm vào trong tạo thành mặt nghiêng và mặt nghiêng này cùng với hàm trên hình thành góc giao nhau nhỏ hơn 90°. Đầu dày nhìn từ phía trên gần như vuông, hai bên song song, phần sau của đầu tròn. Râu đầu đính ở hai bên phần trước của đầu, phía dưới mỗi hốc chân râu của đầu có một u lồi, to và gần như hướng lên phía trên, mắt ở chính phía sau của râu đầu. Râu đầu 12-14 đốt, độ dài đốt thứ 2 gần bằng nửa đốt thứ nhất và tương đối nhỏ, đốt thứ 3 ngắn hơn đốt thứ 2 và đốt thứ 4 thường rất ngắn.
  • Mối vua và mối chúa nguyên thuỷ: Đầu có màu vàng tối, ngực, bụng, chân râu có màu vàng nhạt, vẩy cánh màu vàng tối. Đầu hình vuông dài mắt kép nhỏ, mắt đơn ở phía trước mắt kép, chân môi sau có hình giải ngang rất ngắn, không lồi lên, không phân biệt với trán rõ ràng. Độ dài chân môi trước gần bằng hai lần chân môi sau. Râu đầu có 16 đốt, đốt thứ 3,4,5 bằng nhau và hơi ngắn hơn đốt thứ 2. Tấm lưng ngực trước có chiều rộng bằng hoặc hơi rộng so với đầu. ở giữa mép sau và mép trước hơi lõm vào trong. Vẩy cánh trước hơi to hơn vẩy cánh sau.

Trong tổ mối gỗ khô có mối lính, mối thợ giả, mối non, mối sinh sản cánh ngắn, mối vua mối chúa nguyên thuỷ. Mối vua nguyên thuỷ có màu vàng, hình dạng kích thước giống như mối cánh trưởng thành sau khi rụng cánh.

Mối chúa nguyên thuỷ cũng có màu vàng, kích thước và hình dạng không có biến đổi đáng kể, bộ phận bụng không to ra như các giống mối khác ở đẳng cấp cao như Termitidae chẳng hạn. Để phân biệt với các đẳng cấp khác trong tổ mối gỗ khô là mối chúa mối vua nguyên thuỷ đầu tiên có mang trên mặt lưng của đốt ngực thứ 2 và 3 hai đôi vẩy cánh có màu vàng thẫm, 2 vẩy cánh trước to hơn 2 vẩy cánh sau một cách rõ ràng và trùm lên vẩy cánh sau.

Mối sinh sản cánh ngắn màu trắng khác với các đẳng cấp khác trong tổ mối gỗ khô là: Mặt lưng của đốt ngực thứ 2 và thứ 3 của mối sinh sản cánh ngắn có mang hai đôi cánh giống như cánh con cào cào non màu trắng và dài hơn hai đôi vẩy cánh của mối vua và mối chúa nguyên thuỷ.

Trong tổ mối gỗ khô Cryptotermes domesticus Haviland tồn tại hai đẳng cấp sinh sản song song với nhau là mối chúa mối vua nguyên thuỷ và mối sinh sản cánh ngắn.

Mối thợ giả màu trắng kích thước và hình dạng cũng gần giống như mối sinh sản cánh ngắn, nhưng chỉ khác là mối thợ giả không mang trên thân 2 đôi cánh.

* Sinh học:

Mối gỗ khô bay giao hoan phân đàn vào tháng 4 đến tháng 9, ngoài những tháng này ra vẫn có hiện tượng bay giao hoan phân đàn vào tháng 10, 11 hàng năm khi trời nắng ấm.

– Sự hình thành tổ mối gỗ khô: Mối cánh trưởng thành sau khi bay ra khỏi tổ bằng chính lỗ nhỏ mà mối gỗ khô dùng để đùn phân mối ra ngoài còn gọi là lỗ vũ hoá hay lỗ thông khí, đường kính lỗ vũ hoá Ф ≥ 1 mm. Khi nào không đùn phân mối ra ngoài và không phải là thời kỳ vũ hóa thì mối dùng nước bọt của mối tiết ra đem nhào với phân mối rồi bịt lỗ vũ hóa lại. Mối cánh trưởng thành đực và cái bay ra khỏi tổ rất nhanh nhẹn, chúng bay qua bay lại mấy vòng rồi đậu xuống đất hoặc những mặt bàn, ghế giường tủ, chúng hoạt động mạnh làm cánh rụng và tìm nhau ghép đôi. Mối đực và mối cái tìm đến những khe hở của mộng ghép, vết nứt của gỗ và đặc biệt chúng tìm đến những lỗ mọt nước (mọt gỗ tươi) có trên bề mặt gỗ để làm tổ, khi tìm được nơi thích hợp chúng dùng nước bọt tiết ra đem nhào với phân mối và mùn gỗ do chúng gặm ra tạo ra một thứ hồ để bịt các khe hở để tạo nên tổ mối ban đầu, kích thước của tổ mối ban đầu dài hơn chiều dài của mối đực, mối cái khoảng 1,2- 1,5 cm, chiều rộng khoảng 1,2-1,5mm. Con đực và con cái giao phối sau 7-10 ngày thì đẻ trứng, trứng nở ra mối non. Lúc này mối đực và mối cái được gọi là mối vua mối chúa nguyên thuỷ (mối vua mối chúa đầu tiên). Mối non qua nhiều lần lột xác thành các đẳng cấp mối khác nhau: mối thợ giả, mối lính, mối sinh sản cánh ngắn. Tổ mối ở trong gỗ nơi mối lấy thức ăn, không liên hệ với đất, với nguồn nước và không có đường mui, không có vườn cấy nấm.

– Vai trò của mối lính, mối thợ giả, mối sinh sản cánh ngắn:

Mối lính chiếm tỷ lệ khoảng 5-6% trong tổng số cá thể của quần thể mối. Chức năng mối lính chưa rõ ràng lắm. Theo tài liệu của Thái Bang Hoa (1964) thì mối lính dùng phần đầu cứng rắn của mình để bịt các lỗ thông khí khi cần thiết để ngăn chặn thiên địch xâm nhập vào tổ mối gỗ khô.

Mối thợ giả, mối sinh sản cánh ngắn có chức năng gậm gỗ và dùng bộ phận miệng như một bàn tay Robot để gắp những viên phân mối vứt ra ngoài qua lỗ thông khí hoặc gắp trứng mối đặt vào nơi thích hợp. Khi không thải phân ra ngoài thì bịt lỗ thông khí lại.

Mối sinh sản cánh ngắn có thể gọi là mối vua mối chúa bổ sung vì nó có khả năng sinh sản và cùng tồn tại với mối vua và mối chúa nguyên thuỷ trong cùng một tổ, mối vua và mối chúa nguyên thuỷ tự gặm gỗ để sống và không cần một đẳng cấp nào mớm thức ăn cho, chức năng này khác với mối vua và mối chúa ở đẳng cấp cao như Reticulitermes.

– Tổ mối gỗ khô: Là những khoang rỗng, không có hình dạng đặc trưng, những khoang lớn dài thường song song với thớ gỗ, nếu thớ gỗ vằn thì hang mối cũng vằn theo, giữa các hang mối này thường có nhiều lỗ nhỏ có đường kính Ф ≥ 1mm thông với nhau, khi không cần thiết thì bịt lại như là bịt lỗ thông khí. Khi bàn ghế bị mối gỗ khô hại nghiêm trọng thì lấy ngón tay di nhẹ trên bề mặt gỗ là hang mối sẽ lộ ra ngoài làm mất vẻ đẹp của gỗ vì khi gặm gỗ mối gỗ khô bao giờ cũng chừa lại một lớp gỗ mỏng trên bề mặt gỗ để tránh ánh sáng và giữ độ ẩm cần thiết cho tổ mối. Trong một tổ mối thường thông ra ngoài bằng một lỗ thông khí và chính lỗ này mối đùn phân ra ngoài, đồng thời cũng là lỗ vũ hoá. Đường kính của lỗ vũ hoá Ф ≥ 1mm nhưng để đùn phân ra ngoài mối gỗ khô chỉ mở rộng khoảng 0,3 – 0,4 mm, khi vũ hóa chúng mới mở rộng lỗ vũ hóa với độ rộng thích hợp để bay ra ngoài. Thức ăn của mối gỗ khô là gỗ, gỗ chết khô ở trong thân cây sống. Mối gỗ khô hại gỗ từ năm này qua năm khác làm gỗ mất hết ứng lực không dùng được.

* Gỗ ký chủ:

Mối gỗ khô xâm nhập phá hại rất nhiều các loại gỗ khác nhau. Theo tài liệu của Nguyễn Đức Khảm 1976 thì thống kê được 70 loại gỗ khác nhau thuộc 31 họ thực vật kể cả gỗ lá kim và gỗ lá rộng.

* Phòng trừ:

Để ngăn ngừa loài mối này xâm nhập vào gỗ có thể dùng các loại thuốc tan trong nước và tan trong dầu như Lentrek 40EC, Cislin 2,5EC, để quét, phun bề mặt gỗ với liều lượng dùng ≈ 300 ml/m2. Để diệt chúng có trong gỗ có thể dùng sơ ranh bơm thuốc vào tổ mối qua các lỗ vũ hóa của mối.

2.2. Mối gỗ ẩm (mối nhà) Coptotermes formosanus Shiraki (Họ Rhinotermitidae)

* Phân bố:

  • Trong nước: Phân bố loài này rất rộng, trừ núi cao, rừng ngập mặn và bãi cát ven biển (Nguyễn Đức Khảm, 1976). Những nơi đã phát hiện loài mối này: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Tây, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái, Quảng Bình, Ninh Thuận, Nha Trang, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Ngoài nước: Nhật Bản, Philippin, Đảo Marsan, Guam, Hawaii, Mituây, Nam châu Phi, Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc… (Nguyễn Đức Khảm, 1976).

* Hình thái:

  • Mối lính: Đầu và râu đầu có màu vàng, hàm trên có màu nâu đen, bụng có màu trắng sữa. Nhìn từ trên có hình trứng tròn, rộng nhất là ở giữa đầu, phần trước và sau thu hẹp lại so với phần giữa đầu, thóp có hình gần như tròn, to mà rõ ràng, đính ở trên một ống ngắn lồi lên phía trước cuối của đầu. Hàm trên có hình lưỡi kiếm, phần trước của hàm cong vào giữa, ở chân hàm trên bên trái có một vết lõm sâu, phía trước vết lõm này có 4 mấu lồi nhỏ nổi lên, mấu lồi nhỏ cuối cùng ở phía trước, đỉnh ở sau trung điểm của hàm trên, phần còn lại của mặt hàm trơn không có răng. Môi trên có hình lưỡi; đầu môi có đỉnh nhọn thấu quang không rõ ràng, vươn dài tới một nửa độ dài hàm trên đóng kín. Râu đầu mối lính có 14 – 16 đốt, đốt thứ 2, 3, 4 gần bằng nhau, hoặc đốt thứ 2 dài hơn so với đốt thứ 3 và thứ 4, đốt thứ 4 dài hơn hoặc bằng đốt thứ 3, đốt thứ 5 dài hơn hoặc bằng đốt thứ 2; sau đó các đốt hơi đều và hơi dài hơn so với đốt thứ 5, đốt cuối cùng không nhỏ lại. Tấm lưng ngực trước bằng, hẹp lại so với đầu, giữa mép sau và mép trước lõm vào.
  • Mối thợ: Đầu có màu vàng, bụng màu trắng, có lúc nhìn thấu cả màu sắc bộ phận bên trong ruột. Phần sau đầu hình tròn, phần trước đầu mỏng, chỗ rộng nhất của đầu là hốc râu đầu, chân môi sau rất ngắn, độ dài tương đương với 1/4 độ rộng và hơi cong lên, râu đầu có 15 đốt. Mép trước của tấm lưng ngực trước hơi cong lên, độ dài của bụng hơi rộng so với đầu, bụng không to.
  • Mối cánh trưởng thành (thành trùng có cánh): Mặt lưng của đầu có màu nâu vàng thẫm. Mặt lưng của ngực và bụng có màu vàng nâu, hơi nhạt so với đầu. Mặt bụng của bụng có màu vàng, cánh có màu vàng nhạt. Mắt kép gần như tròn. Mắt đơn tròn dài, khoảng cách giữa mắt đơn và mắt kép nhỏ hơn độ rộng của mắt đơn. Chân môi sau cực ngắn, như một dải ngang màu vàng nhạt và hơi lồi lên, độ dài bằng 1/3 -1/4 độ rộng. Chân môi trước màu trắng và dài hơn chân môi sau. Môi trên màu vàng nhạt, đỉnh môi hình tròn. Râu đầu dài có 20 đốt, độ dài từ đốt thứ 2 đến đốt thứ 6 gần bằng nhau hoặc có biến hoá, đốt cuối cùng của râu đầu hình tròn đến tròn dài. Mép trước của tấm lưng ngực trước lõm về phía sau, mép bên và mép sau hợp lại với nhau gần như nửa hình tròn, ở giữa mép sau hơi lõm vào trong, vẩy cánh trước lớn hơn vẩy cánh sau và hơi trùm lên vẩy cánh sau, bề mặt vẩy cánh có những lông tơ dày hơi ngắn.
  • Mối vua mối chúa: Mối chúa phát triển chậm về kích thước. Mối chúa nuôi trong phòng thí nghiệm chỉ đạt chiều dài 22mm (Nguyễn Chí Thanh, 1996).

* Sinh học:

– Tổ mối: Mối nhà sống thành quần thể tập trung có số lượng cá thể lớn có đến hàng triệu cá thể, tổ mối sống ở trong đất, chân cột gỗ hoặc trong các khoảng trống của panen. Tổ mối xốp, dạng hình nón và có màu xám tro hoặc xám đen, không có vườn cấy nấm và có liên hệ với đất và nguồn nước.

Mùa bay giao hoan và phân đàn vào tháng 4, 5, 6 tuỳ theo khí hậu hàng năm mà mối bay sớm hoặc muộn hơn, thời gian bay từ 18-23 giờ, nhiệt độ 29- 31oC, độ ẩm 95-100%. ánh sáng đèn dầu hỏa (40-50Lux), đèn tử ngoại, đèn nê ông, đều hấp dẫn mối cánh. Lợi dụng đặc tính sinh học này người ta diệt mối cánh trong khi chúng bay tập trung xung quanh ánh sáng đèn.

Mối cánh bay lượn sau đó ghép đôi giao phối từ 5-17 ngày thì bắt đầu đẻ trứng, đôi khi kéo dài 30 ngày mới đẻ trứng (Nguyễn Đức Khảm, 1976).

– Con đường xâm nhập của mối vào công trình xây dựng: Có hai con đường mối xâm nhập vào công trình xây dựng:

  • Từ tổ mối: Mối thợ đắp những đường mui lộ thiên hoặc đào những đường hầm kín đáo để xâm nhập vào những cấu kiện gỗ trong công trình xây dựng. Trong trường hợp này tổ mối thường ở gần ngoài công trình xây dựng, tuổi tổ mối đã có từ 2-3 năm trở lên, số cá thể trong tổ mối nhiều, những tổ mối này có thể đã có trước hoặc sau công trình xây dựng hoàn thiện.
  • Con đường thứ 2: Mối cánh xâm nhập vào nền móng công trình trong mùa bay giao hoan của mối. Khi mối cánh trưởng thành bay giao hoan phân đàn thường là vào tháng 4, 5, 6 chúng sẽ tìm đến những công trình đang xây dựng dở dang, nhưng đã đổ sàn từ tầng một trở lên, lúc này nền móng nhà có những nơi có độ ẩm, nhiệt độ môi trường thích hợp, và vì có mái che từ tầng một nên không bị úng nước, ban đêm lại thắp đèn có ánh sáng để thi công, nên hấp dẫn mối cánh trưởng thành bay đến, rụng cánh ghép đôi làm tổ mối mới. Khi hoàn thiện nền nhà tầng một không chú ý đến phòng mối cho nền móng công trình, khoảng một vài năm sau mối từ dưới nền lên xâm nhập, phá hại. Do vậy, việc phòng mối cho nền móng công trình xây dựng mới là rất cần thiết (kỹ thuật phòng mối cho nền móng công trình sẽ được trình bày ở phần sau trong tài liệu).
  • Thức ăn của mối: Gỗ thông trắng của Liên Xô (cũ), trám trắng, vạng trứng, bồ đề là những thức ăn ưa thích của mối gỗ ẩm, do vậy người ta dùng những loại gỗ trên làm mồi nhử mối.

2.3. Mối đất cánh đen Odontotermes (O) formosanus Shiraki (Termitidae)

* Phân bố:

  • Trong nước: Loài này sống ở toàn miền Bắc
  • Ngoài nước: Các nước vùng Đông phương.

* Hình thái:

  • Mối lính: Đầu có màu vàng tối, bụng có màu vàng nhạt đến trắng xám, đầu có lông thưa, nhìn từ mặt lưng, đầu hình trứng có chiều dài lớn hơn chiều rộng, chỗ rộng nhất ở sau trung điểm của đầu, phía trước hơi hẹp lại. Hàm trên hình lưỡi liềm, phía trước trung điểm của hàm trên bên trái có một răng rõ ràng, đỉnh nhọn của răng hướng về phía trước. Môi trên hình lưỡi, hẹp trước rộng sau, đỉnh trước không có mảnh thấu quang, hai bên hình vòng cung. Đỉnh môi trên không đạt đến trung điểm của hàm trên. Râu đầu 15-17 đốt.
  • Mối thợ: Đầu màu vàng, ngực có màu trắng xám, mép bên và mép sau của đầu cong hình tròn, râu đầu 17 đốt, đốt thứ 2 dài hơn đốt thứ 3.
  • Mối cánh: Mặt lưng của đỉnh đầu, ngực có màu đen. Toàn thân có lông dày. Đầu hình tròn, mắt kép hình tròn dài. Cự ly giữa mắt đơn và mắt kép bằng độ dài của bản thân mắt đơn. Râu đầu 19 đốt, đốt thứ 2 dài hơn đốt thứ 3 hoặc đốt 4, 5.

* Sinh học:

Mối bay giao hoan phân đàn từ tháng 4 đến tháng 6. Mối cánh bay ra có khi tới 2000- 3000 cá thể, nhiều đến 9000 cá thể, tổ có vườn nấm, thức ăn của mối là phần gỗ tiếp xúc với đất như cột nhà, cột điện tà vẹt, loài mối này còn ăn vỏ cây sống, bạch đàn, tếch, phi lao, sắn. Tác hại của loài này đối với các công trình kiến trúc không lớn như loài Coptotermes formosanus Shiraki.

moi-va-vong-doi-phat-trien-cua-moi
Mối và cách phòng trừ mối cho công trình xây dựng để đảm bảo an toàn 7

3. Tác hại của mối đối với công trình xây dựng

Khi mối tấn công các công trình xây dựng thì mục tiêu của chúng chính là gỗ và các vật liệu có nguồn gốc xenlulo như đồ nội thất, giấy, vải, thảm, sàn gỗ… Do đó, khi bị mối xâm nhập vào nhà thì không chỉ các vật liệu gỗ, giấy tờ tài liệu trong các công trình bị phá hủy mà ngay cả kiến trúc công trình cũng bị xuống cấp một cách nghiêm trọng do việc mối làm tổ và đi tìm nguồn thức ăn.

Không những vậy, với đặc tính sinh học của loài mối, sau thời gian bay giao hoan chúng sẽ tìm kiếm những khe nhỏ để làm tổ. Vì làm tổ trong các vật liệu gỗ nên trong thời gian đó chúng sẽ sống “ẩn dật” và không cần đi ra ngoài nên chúng ta rất khó để phát hiện ra sự xâm nhập và phá hủy của loài côn trùng gây hại này. Đến khi phát hiện ra tổ mối thì chúng đã phát triển một cách mạnh mẽ với nhiều cá thể và đã phá hủy khá nghiêm trọng các đồ đạc trong nhà.

xu ly moi
Mối và cách phòng trừ mối cho công trình xây dựng để đảm bảo an toàn 8

Di tích ở khu phố cổ Hội An bị mối xâm hại nghiêm trọng

Xuất phát từ tổ mối, loài côn trùng này sẽ bắt đầu tiến hành phá hủy công trình, đồ nội thất và các sản phẩm gỗ hoặc vật dụng trong nhà có nguồn gốc từ gỗ. Nhìn bề ngoài, các vật dụng chi tiết khi bị mối tấn công tưởng như vẫn còn nguyên vẹn nhưng bên trong đã bị chúng ăn rỗng và không còn giá trị sử dụng, bắt buộc phải thay thế gây ra những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế cho chủ sở hữu công trình xây dựng.

Tác hại của mối không chỉ dừng lại với các đồ dùng bằng gỗ mà còn ngay cả với các thiết bị máy móc cũng khó tránh khỏi. Để tìm được nguồn thức ăn, mối phải luồn lách qua những khe nhỏ rồi đắp đường mui đất để đi. Do đường đất của mối thường ẩm lúc mới đắt nên rất dễ gây ra chập điện, cháy nổ đối với nhiều thiết bị điện.

Báo điện tử của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 09/3/2021 cho biết rất nhiều công trình di tích phố cổ Hội An bị mối tấn công. Theo ông Trần Trung Hưng, cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tất cả gỗ trong di tích tạo thành kiến trúc có giá trị và đây cũng là môi trường thuận lợi cho mối xâm hại.

 

Rate this post
Zalo
Liên hệ >