Thuốc phòng trừ mối

1. Cơ chế gây bệnh của thuốc diệt mối

1.1. Thuốc có nguồn gốc hoá học

  • Chế phẩm xâm nhập qua vỏ cơ thể: Chế phẩm có đặc tính thẩm thấu qua vỏ cơ thể côn trùng bằng cách hoà tan trong lipit và lipoprotein của lớp biểu bì trên của vỏ cơ thể. Hoặc chế phẩm có thể xâm nhập vào cơ thể côn trùng qua những đoạn da mềm như các đoạn khớp đầu, ngực, bàn chân, chân lông, râu cơ quan cảm giác. Chế phẩm xâm nhập qua chỗ da mềm này và qua các tuyến tiết dịch vào lớp hạ bì và màng đáy rồi từ đó vào tế bào thần kinh, tế bào máu và được truyền đi khắp cơ thể thông qua hệ thống tuần hoàn.
  • Chế phẩm xâm nhập qua đường tiêu hoá: Chế phẩm xâm nhập vào cơ thể côn trùng qua miệng vào đường ruột cùng với thức ăn và được hấp thụ chủ yếu ở đoạn ruột giữa qua bao ruột peritrophit rồi khuếch tán qua lớp biểu bì ruột vào tế bào thần kinh, máu truyền đi khắp cơ thể. Một lượng chế phẩm cũng có thể thẩm thấu qua thành ruột trước vào thành ruột sau và được giữ lại ở đó. Quá trình đồng hoá và bài tiết thức ăn tiến triển càng chậm chất độc càng lưu lại lâu trong ruột, thức ăn không tiêu hoá được vì chế phẩm bảo quản sẽ tiêu diệt các vi khuẩn trong ruột côn trùng có tác dụng giúp tiêu hoá thức ăn, hoặc phá huỷ men tiêu hoá của côn trùng.
  • Chế phẩm xâm nhập qua đường hô hấp: Ngoài những loại chế phẩm tác động qua đường tiếp xúc, đường tiêu hoá còn có loại chế phẩm gây hiệu lực qua đường hô hấp do một phần chế phẩm biến thành thể khí có tác dụng xông hơi. Chất độc xâm nhập qua lỗ thở cơ thể côn trùng và từ đó qua hệ thống khí quản và vi khí quản vào tổ chức tế bào thông qua quá trình thông hơi. Chế phẩm xâm nhập qua đường hô hấp gây độc nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với xâm nhập qua đường ruột và qua vỏ cơ thể côn trùng bởi sẽ tác động ngay tới tế bào thần kinh.

1.2. Thuốc có nguồn gốc sinh học

Trong điều kiện tự nhiên, côn trùng nói chung và mối nói riêng còn bị chết bởi các loại bệnh do nhiều loài vi sinh vật gây nên như vius, vi khuẩn, vi nấm… Bệnh côn trùng thường thể hiện đặc điểm chung nhất là làm chết rất nhiều cá thể côn trùng trong một đợt và làm chấm dứt sự sinh sản hàng loạt. Thông thường, đối với các loại bệnh truyền nhiễm do vius và vi khuẩn thì chúng lan truyền bằng đường ruột thông qua con đường thức ăn, nhưng đối với nguồn bệnh là vi nấm thì chủ yếu do sự tiếp xúc trực tiếp với nhau hoặc qua trung gian truyền bệnh.

Côn trùng bị bệnh do vi sinh vật phải căn cứ vào các điều kiện sau:

  • Vi sinh vật phải có mặt trong mọi trường hợp của bệnh ở côn trùng và có thể phân lập dòng thuần chủng được các vi sinh vật trên môi trường nhân tạo.
  • Khi dùng dạng vi sinh vật thuần khiết để gây bệnh nhân tạo thì có thể gây được loại bệnh tương tự.
  • Phải chứng minh được sự có mặt của vi sinh vật trong cơ thể côn trùng thí nghiệm, tức là khi thử lại hoạt lực sinh học của vi sinh vật đó trên côn trùng trong điều kiện thích hợp thì vi sinh vật đó tái xuất hiện trở lại.

Muốn cho các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể côn trùng để gây bệnh, thì vi sinh vật phải có tác động về mặt hoá học hay cơ học lên ký chủ. Trong đó, các tác động hoá học thể hiện qua quá trình vi sinh vật lấy một phần thức ăn trong cơ thể côn trùng và chúng tiết ra các sản phẩm trao đổi chất với một lượng nhất định đối với côn trùng.

Triệu chứng và cơ chế gây bệnh của vi nấm lên côn trùng như sau: Bệnh vi nấm ở côn trùng rất dễ lan truyền bằng va chạm đơn giản, chủ yếu từ con ốm sang con khỏe hoặc lây lan nhờ gió, mưa, chim, thú… và các bệnh do vi nấm tạo thành những ổ bệnh kéo dài theo chiều gió thổi.

Khi bị bệnh nấm, côn trùng ngừng vận động từ 2 -3 ngày, thậm chí một tuần trước khi nấm phát triển dày đặc trong toàn bộ thân. Chỉ những côn trùng bị thương hay bị bệnh nấm, màu sắc thân mới bị thay đổi và xuất hiện những vết đen. Côn trùng bị bệnh nấm khi chết thường có màu hồng, vàng nhạt và trắng, thân hơi cứng lại, màu sắc này còn phụ thuộc vào màu sắc của bào tử nấm gây bệnh.

Các vi sinh vật gây bệnh trên côn trùng thường tác động đến những loại mô nhất định. Khi côn trùng bị bệnh nấm thì tuyến mỡ và các mô khác bị hoà tan là do lipaza và proteaza của nấm tiết ra. Hiện tượng côn trùng bị chết hoại tử gắn liền với hiện tượng tiêu huỷ mô là đặc trưng của bệnh nấm. Quá trình này tiến triển qua hai giai đoạn:

  • Hiện tượng chấn thương: Các mô tổn thương bị phá hoại là do nấm từ bên ngoài gây ra, trong trường hợp này các lympho máu đọng lại và mô tái sinh được tạo nên trên bề mặt phần thân côn trùng bị chấn thương.
  • Hiện tượng nhiễm trùng máu của côn trùng khi bị bệnh nấm là do lympho chứa đầy sợi nấm hoặc những giai đoạn phát triển khác nhau của nấm. Về cơ chế gây bệnh chung của vi nấm lên côn trùng trước hết phải đề cập tới vai trò của các độc tố của vi nấm. Khi những bào tử nấm đậu được trên thân côn trùng, bào tử sẽ nảy mầm, hệ sợi sẽ phát triển tới mức phủ kín các lỗ thở trên cơ thể côn trùng. Quá trình sinh trưởng, phát triển của bào tử và hệ sợi nấm ăn sâu vào cơ thể côn trùng chính là quá trình trao đổi chất của các vi nấm lên côn trùng. Khi bị nhiễm bệnh do vi nấm, côn trùng sẽ huy động các tế bào bạch huyết (lymphocyte) đến để chống lại độc tố của nấm, nhưng độc tố quá mạnh sẽ tiêu diệt hết tế bào bạch cầu và côn trùng bị chết. Sau khi côn trùng suy yếu dần và chết, hệ sợi nấm trong cơ thể côn trùng sẽ sinh bào tử, các bào tử này phát tán ra môi trường và tiếp tục quá trình gây bệnh cho các côn trùng khỏe khác. Dựa vào công nghệ vi sinh, trên cơ sở lợi dụng các vi nấm có khả năng gây bệnh cho côn trùng trong tự nhiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công các chế phẩm vi sinh vật có hoạt lực cao để phòng trừ côn trùng gây hại. Trong lĩnh vực bảo quản lâm sản, chế phẩm phòng trừ côn trùng có nguồn gốc vi sinh vật đã và đang được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và sản xuất, song mới tập trung chủ yếu vào chế phẩm từ vi nấm có tác dụng phòng trừ mối gây hại công trình xây dựng, cây trồng, đê đập…

2. Các dạng thuốc bảo quản gỗ

2.1. Chế phẩm dạng dầu

Các chế phẩm trong nhóm này thường là các sản phẩm phụ thu được trong quá trình sản xuất, bao gồm các loại như Creosote nhựa than đá, dung dịch creosote và dầu mỏ, creosote thu được từ quá trình nhiệt phân gỗ…

Creosote và các hỗn hợp của creosote nói chung có hiệu lực tốt với sinh vật gây hại lâm sản, được sử dụng nhiều ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, creosote rất phù hợp để xử lý bảo quản gỗ và lâm sản sử dụng ngoài trời tiếp xúc trực tiếp với nền đất hoặc trong môi trường nước mặn. Thời gian sau này, do sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại chế phẩm bảo quản khác có khả năng khắc phục những nhược điểm của creosote về mùi hôi và màu sắc sẫm, nên hiện nay creosote được sử dụng với khối lượng không nhiều.

Ở Việt Nam, từ đầu những năm 60 của thế kỷ 20, cũng đã dùng creosote và hỗn hợp creosote + DDT + HCH để bảo quản gỗ sử dụng ngoài trời, hiệu lực chống côn trùng của hỗn hợp tỏ ra hơn hẳn creosote đơn thuần. Hỗn hợp trên đây được dùng để bảo quản gỗ làm tà vẹt, bảo quản luồng làm bè mảng đi biển, bảo quản tạm gỗ khúc tại rừng,… Từ cuối thế kỷ 20 trở lại đây, creosote hầu như không được sử dụng và hiện không nằm trong danh mục chế phẩm bảo quản lâm sản được phép sử dụng ở Việt Nam.

2.2. Chế phẩm hoà tan trong dung môi hữu cơ

Dung môi hữu cơ đóng vai trò đưa các hoạt chất thấm sâu vào bên trong gỗ và lâm sản và sẽ bay hơi dần sau khi kết thúc quá trình tẩm. Chế phẩm bảo quản dạng này không hoà tan trong nước do đó không bị rửa trôi khỏi gỗ và lâm sản.

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, dựa vào kinh nghiệm sử dụng hoa cúc dại tạo thuốc trừ sâu, các nhà khoa học đã nghiên cứu xác định được trong hoa cúc dại chứa các hoạt chất có tính sát trùng rất tốt như chrysanthemum cinerariaefolium, chrysanthemum roseum và có 6 este độc với côn trùng của axit xiclopropan cacboxylic là pyrethrin I và II, cinerin I và II, jasmolin I và II. Trong bột hoa cúc dại, các este pyrethrin chiếm tới 73%.

Rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng dịch chiết từ hoa cúc dại làm thuốc trừ sâu trong nông nghiệp đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nguồn cung cấp hoa cúc dại trong tự nhiên có số lượng hạn chế, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với khối lượng lớn, đã có nhiều công trình nghiên cứu cấu trúc của các este xiclopropancacboxylat đặc biệt là pyrethrin để tổng hợp được bằng con đường hoá học. Chính bằng con đường này đã tạo ra rất nhiều dẫn xuất pyrethrin, những dẫn xuất đó được gọi là các hợp chất Pyrethroid có hiệu lực cao đối với sâu và có nhiều ưu điểm hơn các este tự nhiên.

Hiện nay, một số hoạt chất được tổng hợp thuộc nhóm Pyrethroid như deltamethrin, cypermethrin, tribromphenol hoà tan trong dung môi hữu cơ với các tên thương mại như Cislin, Anti Borer, Celcide, InjectaAB… là các loại chế phẩm bảo quản lâm sản được giới thiệu có độ an toàn cao với môi trường, đang được dùng phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Một số loại chế phẩm hoà tan trong dung môi hữu cơ được phép sử dụng ở nước ta hiện nay gồm:

TT Tên thương mại Thành phần hoạt chất chính
1 Dầu trừ mối M-4 Beta-naphthol 1% + Fenvalerate 0,2%
2 Celcide Cypermethrin (min 90%)
3 Cislin 2,5 EC Deltamethrin (min 98%)

Một số chế phẩm bảo quản gỗ hoà tan trong dung môi hữu cơ được phép sử dụng ở Việt Nam

2.3. Chế phẩm hoà tan trong nước

Chế phẩm bảo quản lâm sản hoà tan trong nước phần lớn là hỗn hợp nhiều loại muối vô cơ được hoà tan trong nước khi sử dụng để bảo quản lâm sản. Thông thường, các muối vô cơ ở dạng rắn, song cũng có thể ở dạng cao. ở một số nước phát triển, các loại chế phẩm là muối vô cơ này được chuẩn bị pha trước ở dạng tiền dung dịch với lý do an toàn, bảo vệ sức khoẻ con người và hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường do cặn, rác thải.

Vai trò của dung môi nước có tác dụng đưa hoá chất có tác dụng bảo quản thấm sâu vào trong gỗ và lâm sản. Sau đó nước bay hơi, các hoá chất sẽ tồn tại lại trong gỗ. Trong trường hợp độ ẩm của gỗ tẩm cao, các hoá chất còn tiếp tục khuếch tán sâu hơn vào trong gỗ.

Chế phẩm bảo quản dạng muối sử dụng nước làm dung môi có thuận lợi cơ bản là rẻ tiền nhất và sẵn có. So với dạng dầu, chế phẩm bảo quản tan trong nước thấm vào gỗ tốt lại tránh được một số bất lợi như cháy nổ và độc hại cho sức khỏe con người. Nhưng nhược điểm cơ bản của chế phẩm hoà tan trong nước là gỗ trong khi ngâm tẩm bị giãn nở, co rút trong quá trình làm khô lại nên dễ bị nứt nẻ và dễ bị tác động của thời tiết làm rửa trôi.

Chế phẩm bảo quản hoà tan trong nước có hai dạng chính: Dạng có khả năng tạo phức cố định trong lâm sản sau quá trình tẩm và dạng không tạo phức cố định trong lâm sản sau quá trình tẩm.

a. NaF và các chế phẩm có NaF

b. Sun phát đồng và các chế phẩm chứa muối đồng

Chế phẩm XM5

– Chế phẩm Celcure

– Celcure -T (LN3)

– Các chế phẩm chứa Boron

c. Clorua kẽm và các chế phẩm chứa muối kẽm

Hỗn hợp kẽm + Crôm

d. Fluosilicat natrri Na2SiF6

3. Thuốc phòng trừ mối

Bên cạnh các loại chế phẩm bảo quản dùng để tẩm trực tiếp vào lâm sản làm tăng cường sức đề kháng cho lâm sản trước sự tấn công của các sinh vật hại còn có một số loại chế phẩm dùng để phòng trừ côn trùng đang gây hại lâm sản. Đối với côn trùng cánh cứng thường hoạt động đơn lẻ, giai đoạn phá hoại gỗ và lâm sản mãnh liệt nhất là thời kỳ sâu non, do đó để diệt trừ sâu non có thể dùng ngay các loại chế phẩm bảo quản dạng hòa tan trong dầu như Cislin diệt trực tiếp sâu non trong các đường hang của chúng. Riêng đối với mối, là côn trùng xã hội có mức độ gây hại lâm sản rất phức tạp, đặc biệt đối với lâm sản sử dụng trong các công trình xây dựng. Vì vậy, đã có nhiều công trình đi sâu nghiên cứu đề xuất kỹ thuật và các chế phẩm phòng trừ mối gây hại lâm sản cho công trình xây dựng. Đây chính là các chế phẩm có tác dụng bảo vệ lâm sản trước sự gây hại của côn trùng một cách gián tiếp.

3.1. Chế phẩm diệt mối có nguồn gốc hoá học

Trong công trình xây dựng, từ các kết cấu gỗ, tre, nứa, giấy, vải và các sản phẩm có nguồn gốc từ xenlulozo đều là đối tượng thức ăn hấp dẫn của mối. Cây trồng lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp khi ở giai đoạn cây con mới trồng cũng bị mối gây hại ở tỷ lệ cao. Do đó, đã có nhiều công trình nghiên cứu về kỹ thuật và chế phẩm diệt mối gây hại trong các công trình xây dựng và một số công trình nghiên cứu diệt mối cho cây trồng. Nguyễn Chí Thanh và các cộng tác viên (1967) đã nghiên cứu thành công phương pháp lây nhiễm để diệt mối cho công trình xây dựng và đề xuất công thức chế phẩm diệt mối TM67. Chế phẩm này đóng vai trò quan trọng, góp phần diệt tận gốc tổ mối một cách hiệu quả. Trong quá trình sử dụng, chế phẩm diệt mối TM67 tiếp tục được nghiên cứu giảm tỷ lệ thành phần hoá chất độc, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Công thức chế phẩm mới có tên thương mại là DM90. Sang đầu thế kỷ 21, chế phẩm diệt mối lây nhiễm lại tiếp tục được nghiên cứu thay thế hoàn toàn các hóa chất độc bằng các hóa chất có độ an toàn cao với con người và môi trường và không nằm trong danh mục các hóa chất bị cấm sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam.

Chế phẩm diệt mối lây nhiễm có nguồn gốc hoá chất là một hỗn hợp thường bao gồm 3 thành phần chính:

  • Hoạt chất chính là chất sát trùng chính, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hỗn hợp chế phẩm.
  • Thành phần phụ gia tăng cường sát trùng: gồm một số loại axit. Thành phần này của chế phẩm có vai trò dẫn đường, phá hủy lớp kitin là bộ xương ngoài của mối, tạo thuận lợi cho hoạt chất chính thấm qua và thẩm thấu vào bên trong cơ thể, gây độc cho mối.
  • Thành phần phụ gia kỹ thuật: là hỗn hợp gồm chất độn để làm loãng độ độc của hoạt chất chính, chất tăng cường độ bám dính cho chế phẩm trên cơ thể mối và chất màu để tạo cho chế phẩm có màu đặc trưng.

Đặc điểm cơ bản của chế phẩm diệt mối theo phương pháp lây nhiễm đó là chế phẩm dùng ở dạng bột mịn, khi phun lên cơ thể mối, chế phẩm không gây nhiễm độc thần kinh mà chỉ gây nhiễm độc qua da theo đường tuần hoàn máu và đường tiêu hoá làm cho mối chết. Do đó, mối sau khi dính chế phẩm không chết ngay, mà vẫn hoạt động bình thường, sau 2-3 giờ mối mới chết. Khoảng thời gian này đủ để cho mối rút chạy từ vị trí phun chế phẩm về chết tại tổ ở dưới lòng đất và gây nhiễm độc cho các cá thể khác trong tổ mối.

3.2. Chế phẩm diệt mối lây nhiễm có nguồn gốc vi nấm

Trong môi trường tự nhiên có rất nhiều loài vi nấm có khả năng gây bệnh cho côn trùng hại. Tuy vậy, cho tới nay mới chỉ có một số loài được sử dụng nhiều để tạo chế phẩm diệt côn trùng, đó là: Aschersoria spp, Beauveria bassiana, Conidiobolus obscurus, Culicinomyces clavosporus, Metarhizium anisopliae, Metarhizium flavoviride.

Trong các loài vi nấm trên thì nấm bạch cương Beauveria bassiana và nấm lục cương Metarhizium anisopliae được nghiên cứu, sử dụng phổ biến nhất tạo chế phẩm bảo vệ thực vật nói chung và chế phẩm phòng trừ mối nói riêng.

– Nấm bạch cương (Beauveria bassiana)

Nấm bạch cương có sợi phân nhánh, có vách ngăn ngang rất mảnh màu trắng. Hệ sợi phát triển nhanh tạo thành khối xốp màu trắng vì thế người ta gọi loài nấm này là nấm bạch cương. Nấm có bào tử trần, đơn bào và không màu có dạng hình cầu hay hình trứng. Nấm bạch cương có tính độc với côn trùng nhờ độc tố beauvericin.

Những bào tử nấm bạch cương thường bay trong không khí, khi dính vào côn trùng, gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm và mọc thành sợi nấm đâm xuyên qua vỏ kitin, chúng phát triển ngay trong cơ thể côn trùng cho đến khi xuất hiện các tế bào nấm đầu tiên (có dạng chuỗi ngắn như nấm men). Côn trùng phải huy động các tế bào bạch huyết để chống đỡ, nhưng nấm bạch cương đã sử dụng vũ khí hoá học là độc tố beauvericin để huỷ diệt tế bào bạch huyết của côn trùng. Khi độc tố nấm đã tiêu diệt hết các tế bào bạch huyết cũng là lúc côn trùng bị chết, cơ thể côn trùng bị cứng lại do các sợi nấm đan xen lại với nhau. Cho đến ngày nay người ta đã phát hiện nấm Beauveria bassiana có khả năng tiêu diệt được trên 100 loài côn trùng.

– Nấm lục cương (Metarhizium anisopliae)

Nấm lục cương là nấm sợi có khả năng ký sinh và làm chết nhiều loài côn trùng. Năm 1878, nhà khoa học người Nga Metchnikop đã phát hiện thấy một loài nấm có bào tử màu lục làm chết hàng loạt côn trùng. Ông đặt tên cho loài nấm này là Entomophthora anisopliae. Sau này các nhà khoa học đã phân loại xếp vào giống Metarhizium.

Nấm Metarhizium anisopliae cấu tạo dạng sợi phân nhánh có vách ngăn ngang, đường kính từ 3 đến 4μm. Sợi màu trắng tới hồng. Bào tử của nấm là bào tử trần, dạng hình que kích thước từ 3,5 đến 7,2 μm, màu từ xám đến lục. Bào tử xếp thành chuỗi khá chặt chẽ và nhìn bằng mắt thường thấy bào tử tạo ra trên bề mặt côn trùng. Độc tố diệt côn trùng của nấm lục cương gồm một số ngoại độc tố có tên Destruxin A (C29H47O7N5) và Destruxin B (C30H51O7N5). Khi bào tử nấm lục cương bám trên bề mặt côn trùng trong khoảng 24 giờ, bào tử sẽ nảy mầm tạo thành ống mầm xuyên qua vỏ côn trùng, sau đó tiếp tục phân nhánh tạo nên một mạng hệ sợi nấm chằng chịt bên trong cơ thể côn trùng. Cũng giống như nấm bạch cương, nấm lục cương đã tiết ra độc tố Destruxin A, B và chính các độc tố trên đã gây chết côn trùng.

Từ các chủng của vi nấm Metarhizium anisopliae, nhiều nước trên thế giới đã tạo chế phẩm diệt côn trùng hại cây trồng nông nghiệp. Trên cơ sở tham khảo các tài liệu quốc tế và tài liệu trong nước về khả năng gây bệnh và tiêu diệt côn trùng gây hại của vi nấm Metarhizium anisopliae, Phòng nghiên cứu Bảo quản lâm sản – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tiến hành thu thập và đánh giá khả

năng diệt mối nhà (Coptotermes formosanus) của các chủng vi nấm Metarhizium. Kết quả đã xác định được 3 chủng Metarhizium có hiệu lực diệt mối rất tốt. Nguyễn Dương Khuê (1998, 2002) khi nghiên cứu sử dụng các chủng vi nấm Metarhizium đã tuyển chọn để tạo chế phẩm diệt mối gây hại công trình xây dựng theo phương pháp lây nhiễm.

Từ các chủng Metarhizium có hiệu lực diệt mối, được nuôi cấy trong môi trường xốp (thành phần gồm cám gạo + bột ngô), sau 18 – 22 ngày cho thu hoạch đạt lượng bào tử trần từ 8,9 – 14,3.109 BTT/ 1g chế phẩm. Khả năng diệt lây nhiễm của chế phẩm Metarhizium khi phun 15% cá thể mối có trong một khảo nghiệm thì sau 11 ngày, 100% mối bị chết hoàn toàn. Chính hiệu quả diệt lây nhiễm này mà chế phẩm diệt mối từ Metarhizium hoàn toàn có khả năng dùng trong thực tế sản xuất cùng với các chế phẩm hoá học an toàn để diệt mối cho công trình xây dựng cũng như cây trồng.

Hiện nay, chế phẩm diệt mối này đã được nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất và điều kiện lưu giữ để đảm bảo hiệu lực trong thời gian 9 tháng.

Chế phẩm đã được đăng ký sử dụng tại Cục Bảo vệ thực vật với tên thương phẩm là Dimez. Chế phẩm diệt mối Dimez đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật diệt mối lây nhiễm và đảm bảo an toàn cho môi trường, là loại chế phẩm bảo quản lâm sản đầu tiên có nguồn gốc sinh học ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này đã tạo tiền đề cho hướng nghiên cứu phát triển sử dụng các giống vi nấm khác làm thuốc phòng trừ côn trùng gây hại lâm sản trong tương lai.

3.3. Các chế phẩm phòng mối

Chế phẩm phòng mối dùng cách ly công trình xây dựng với môi trường bên ngoài thường được sử dụng trước đây như hoá chất DDT. Ở Việt Nam, một số công trình quan trọng được xây từ đầu thế kỷ 20 như Thư viện quốc gia cũng được xử lý phòng mối bằng hàng rào hóa chất DDT. Đến những thập niên 70 của thế kỷ 20, DDT không còn được dùng để phòng mối cho công trình xây dựng nữa, mà được thay thế bằng hoá chất hữu cơ Elrin và Dielrin. Hai loại hoá chất này có hiệu lực rất tốt phòng chống côn trùng trong đó có mối. Do đó, Elrin và Dielrin trong giai đoạn này còn được sử dụng rộng rãi để phòng mối cho cây trồng nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 90 thì Elrin và Dielrin cũng bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam. Với sự ra đời của các hợp chất pyrethroit, rất nhiều loại thuốc phòng mối cho công trình xây dựng cũng như cây trồng được xuất hiện dưới các tên thương mại như Kordon 250 TC, Termidor 25 EC, Lentrek 40 EC. Các loại chế phẩm này hiện đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam cùng với các chế phẩm được nghiên cứu ở trong nước là PMs.

Các loại thuốc phòng chống mối cho gỗ và công trình xây dựng được phép sử dụng tại Việt Nam (theo Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT):

cac-loai-thuoc-phong-moi-cho-go
Thuốc phòng trừ mối 13
cac-loai-thuoc-phong-moi-cho-go
Thuốc phòng trừ mối 14
cac-loai-thuoc-phong-moi-cho-go
Thuốc phòng trừ mối 15
cac-loai-thuoc-phong-moi-cho-go
Thuốc phòng trừ mối 16

 

Rate this post
Zalo
Liên hệ >