Đại cương về côn trùng gây bệnh, gây hại

1. Khái quát chung về côn trùng gây bệnh

Động vật chân đốt có một vị trí rất quan trọng trong giới động vật, chúng có tới hàng triệu loài và chiếm khoảng hai phần ba số loài động vật trên trái đất; trong đó nhiều loài có tác hại đến con người. Ngành Arthropoda đã xác nhận 915.047 loài (2014) (Catalogue of life).

Ở Việt Nam hiện nay, đã phát hiện hơn 800 loài chân đốt y học, trong đó muỗi Culicidae khoảng 240 loài, 318 loài ruồi gần người, 80 loài ve, 107 loài mò, 74 loài mạt, 34 loài bọ chét, 10 loài muỗi cát, 9 loài bọ xít hút máu và khoảng 30 loài chấy rận, rệp, ruồi vàng và mạt bụi nhà.

Hai lớp thuộc ngành chân đốt có tác hại đến con người nhiều nhất là lớp hình nhện (Arachnida) đã thống kê được 63.609 loài và lớp côn trùng (Insecta) đã thống kê được 795.003. Đại diện cho lớp hình nhện là Ve bét (liên họ Ixodoidea). Đại diện cho lớp côn trùng là: Bọ chét (Siphonaptera), ruồi nhặng (Muscoidea: Diptera), Gián (Blattoptera), Rệp (Cimicidae), Bọ xít hút máu (Triatominae: Hemiptera), Kiến ba khoang (Staphilinidae: Coleoptera), Họ muỗi (Culicidae: Diptera).

hinh cac loai con trung
Đại cương về côn trùng gây bệnh, gây hại 4

2. Đặc điểm hình thái

Ngành động vật chân đốt hay chân khớp Arthropoda là động vật không xương sống, có các đặc điểm chủ yếu như sau:

  • Cơ thể có đối xứng hai bên, phân đốt, thường phân thành ba phần: đầu – ngực – bụng rõ rệt.
  • Cơ thể có một lớp cuticun (kitin) bọc ngoài (bộ xương ngoài).
  • Các phần phụ như vòi, râu, pan, chân đều phân đốt.
  • Con trưởng thành có ba đến bốn đôi chân, có cánh hay không có cánh.

3. Đặc điểm sinh học, sinh thái

3.1. Đặc điểm sinh học

Sinh sản và phát triển: Hình thức sinh sản của chân đốt rất đa dạng, nhưng tập trung một số chu kỳ phát triển chính như sau:

  • Lớp nhện: Trứng --> Ấu trùng (tuổi I, II) --> Thanh trùng --> Trưởng thành
  • Lớp côn trùng: Trứng --> Ấu trùng (tuổi I, II, III, IV hay V) --> Nhộng --> Trưởng thành

Côn trùng trong chu kỳ sống có hai hình thức biến thái:

  • Biến thái không hoàn toàn là không qua giai đoạn nhộng (rận, rệp, bọ xít).
  • Biến thái hoàn toàn: Có qua giai đoạn nhộng (ruồi, muỗi, bọ chét, …). Thời gian hoàn thành một chu kỳ phát triển cũng như số lượng cá thể khác nhau tùy thuộc vào các nhóm và loài và phụ thuộc vào điều kiện môi trường sống như nhiệt độ, độ ẩm…

3.2. Đặc điểm sinh thái

Trong điều kiện tự nhiên, sự hiện diện và mật độ số tương đối của động vật chân đốt tùy thuộc vào các đặc điểm sau:

  • Đặc điểm nội tại của chính chân khớp như: Tiềm năng sinh học, hành vi, tác động của nhóm.
  • Đặc điểm sinh vật của môi trường: Vật ký chủ và các yếu tố thiên địch.
  • Các yếu tố phi sinh vật: Thời tiết, thổ nhưỡng…

Trong điều kiện tự nhiên, giữa các yếu tố nêu trên có những tác động qua lại. Chính thời tiết đã quyết định phần lớn sự phân bố, phát triển và hoạt động cũng như sự phát sinh thành dịch của côn trùng. Có thể phân biệt:

  • Đại khí hậu (macroclimat): là khí hậu của một vùng rộng lớn.
  • Trung khí hậu (mesoclimat): của một vùng thuần nhất (đồng đều).
  • Vi khí hậu (microclimat): của một vùng rất giới hạn của một ổ sinh thái mà nơi đó chân đốt đang sinh sống; như trên kẽ giường đối với rệp, trong đống củi của bọ xít,…

Nếu đại khí hậu xác định sự phân bố tổng quát của một loài (như côn trùng vùng sa mạc, côn trùng vùng Đại Tây Dương,..) thì trung và vi khí hậu là yếu tố quyết định sự hiện diện hữu hiệu (bền vững) của một động vật trong sinh cảnh hay nói rõ hơn là trong một ổ sinh thái nhất định.

  • Nhiệt độ là yếu tố ngoại cảnh quan trọng nhất đối với động vật máu lạnh, nhiệt độ của cơ thể gần bằng với nhiệt độ của môi trường chung quanh và thay đổi cùng với sự thay đổi của nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ quyết định tốc độ của các phản ứng hóa học. Hơn nữa, nhiệt độ còn tác động đến hành vi và có thể là nguyên nhân gây ra sự tir vong ở côn trùng.
  • Ẩm độ và lượng mưa: Âm độ ảnh hưởng đến sự tử vong và sống sót của côn trùng. Ẩm độ giữ một vai trò rất quan trọng đối với đời sống côn trùng. Mỗi loài côn trùng đều có yêu cầu đặc biệt đối với yếu tố này. Tuy nhiên cần chú ý rằng tác động ẩm độ tương đối trên tỉ lệ tử vong của côn trùng thay đổi rất nhiều theo nhiệt độ, và khả năng chống chịu sức nóng thì rất tốt trong điều kiện ẩm độ thấp. Âm độ còn ảnh hưởng tới hoạt động, hành vi và sự phân bố của chân đốt.
  • Ánh sáng và quang kỳ: Ánh sáng có thể tác động (bởi cường độ và thời gian chiếu sáng) đến các hoạt động và hành vi cũng như đến sự điều hòa các hoạt động theo chu kỳ mùa của côn trùng. Có những loài côn trùng chỉ chuyên hoạt động về ban ngày như ruồi, muỗi Aedes…. hoặc chỉ hoạt động vào lúc hoàng hôn hay ban đêm như các loài muỗi Anophen, muỗi Culex…

Các yếu tố khác:

  • Gió: Là một yếu tố vừa thuận lợi lại vừa bất lợi cho sự phân bố của những động vật có kích thước nhỏ. Gió giúp phát tán côn trùng có cánh, nhưng gió hạn chế sự hoạt động côn trùng.
  • Đất: Là nơi sinh sống giai đoạn ấu trùng của nhiều loài động vật chân đốt như ấu trùng ve, mò, bọ chét…
  • Nước: Là môi trường sinh sống của tất cả các loài muỗi Culicidae.
  • Yếu tố nội tại của côn trùng: Quan trọng nhất là 2 yếu tố: Tiềm năng sinh học và tác động của nhóm, ngoài ra còn có một số yếu tố khác như khả năng phân tán, hành vi, kiểu sinh sản,…

Trong một số loài côn trùng, sự sống thành tập thể, đàn,… đã đưa đến những sự biến đổi sâu sắc về sinh lý, hành vi và cả hình thái của côn trùng. Hiện tượng này thường được quan sát ở những loài côn trùng sống thành xã hội như mối, kiến, ong và được gọi là “Sự điều hòa trong xã hội của các loài mối, kiến”. Thành phần cá thể của các xã hội này được điều chỉnh nhờ “tác động của nhóm”. Những chất pheromones giữ một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều chỉnh này. Được tiết ra bởi con chúa, pheromones được truyền từ cá thể này đến cá thể khác trong quá trình trao đổi thức ăn và do sự liếm láp lẫn nhau. Những chất này đã gây ra sự triệt sản ở các ong thợ, mối thợ.

  • Tác động của ký chủ: Sự tồn tại và phát triển của nhiều loài chân đốt học ký sinh rất cần ký chủ. Có loài ký sinh vĩnh viễn như ghẻ; loài ký sinh tạm thời như, mò, ve, mạt, muỗi… Có loài đa vật chủ, có loài đơn vật chủ. Nếu không có vật chủ thì không có vật ký sinh.

4. Phân bố

Động vật chân đốt phân bố rất rộng; có thể tìm thấy chúng khắp mọi nơi (trong đất, trên đất, trong nước, trong không gian, ký sinh trên cơ thể động vật khác kể cả con người) và vào mọi lúc (ngày và đêm). Tuy nhiên, những giống, loài khác nhau vùng phân bố khác nhau. Sự phân bố của giống , loài phụ thuộc vào nhiều yếu tố như yếu tố địa lý, sinh cảnh, môi trường, vật chủ…

5. Vai trò gây bệnh, gây hại

Những động vật chân đốt có liên quan đến sức khoẻ con người thường được gọi là chân đốt y học (Medical Arthropoda). Chúng là những vật gây bệnh và là vectơ truyền mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng) từ động vật sang người, thậm chí có những loài có thể lưu trữ, phát triển và truyền được mầm bệnh cho đời sau để trở thành nguồn bệnh trong tự nhiên, đó là một trở ngại lớn cho việc phòng và tiêu diệt dịch bệnh. Bệnh do động vật chân đốt truyền gọi là bệnh có vật truyền bệnh (vector), có đặc điểm:

  • Thường là những bệnh nguy hiểm, có thể chết người: dịch hạch, sốt rét… – Bệnh phát thành dịch, lây lan nhanh: sốt xuất huyết, viêm não B Nhật Bản…
  • Bệnh thường xảy ra theo mùa, khu trú ở từng địa phương: viêm não, sốt mò…
  • Bệnh lây lan giữa người với người, giữa người với động vật.

Khả năng truyền bệnh của động vật chân đốt: Động vật chân đốt có thể truyền hầu hết các loại mầm bệnh ký sinh trùng, vi khuẩn, virus cho người và động vật.

Muỗi Anopheles truyền ký sinh trùng sốt rét, giun chỉ. (Ví dụ: An. minimus và An. dirus là những vector chính truyền sốt rét ở Việt Nam, tập trung ở một số vùng sốt rét trọng điểm như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên…).

  • Muỗi Culex truyền giun chỉ, viêm não Nhật Bản…
  • Muỗi Aedes truyền bệnh sốt vàng, sốt xuất huyết Dengue, giun chỉ, và một số virus khác.
  • Muỗi Mansonia truyền giun chỉ. Ở Việt Nam một số vùng có ổ dịch giun chỉ như các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương…
  • Muỗi cát Phlebotomus truyền Leishmania (ở Việt Nam đã phát hiện bệnh nhân nhiễm Leishmania).
  • Ve truyền Rickettsia và virus viêm não châu Âu.
  • Mò truyền Rickettsia orientalis gây bệnh sốt mò, Việt Nam có ổ bệnh sốt mò ở nhiều địa phương trong cả nước.
  • Ruồi ngủ Tsetse (Glossina) truyền Trypanosoma gây bệnh ngủ châu Phi. Ruồi vàng (Simulium) truyền bệnh mù đường sông. Ruồi trâu (Tabanidae) truyền giun chỉ Loaloa. Những bệnh này chưa gặp ở Việt Nam.
  • Ruồi nhà, nhặng, gián truyền mầm bệnh vi khuẩn: tả, lỵ, thương hàn, lao, trứng giun sán, kén đơn bào, virus bại liệt, viêm gan… trong các vụ dịch tả, ruồi nhà có vai trò truyền bệnh rất quan trọng.
  • Chấy rận truyền sốt phát ban chấy rận.
  • Bọ chét truyền dịch hạch, ở Việt Nam có bọ chét Xenopsylla cheopis truyền dịch hạch. Trước năm 1990, bệnh lưu hành ở nhiều tỉnh phía Nam.

Kiến (Bộ cánh màng – Hymenoptera) và Mối thuộc bộ cánh đều (Isoptera) không xếp vào chân đốt y học vì không trực tiếp làm hại sức khỏe con người nhưng là những côn trùng gây hại gián tiếp đến đời sống, sinh hoạt con người và đang được quan tâm của cộng đồng.

Mặc dù có hại nhưng bên cạnh đó, các động vật chân đốt còn có lợi như sự tồn tại của các động vật chân đốt đảm bảo sự cân bằng sinh thái trong thiên nhiên; các giai đoạn phát triển như trứng ấu trùng của loài này là thức ăn của loài khác tạo thành chuỗi thức ăn.

6. Nguyên tắc phòng chống

Để phòng chống các động vật chân đốt gây bệnh, gây hại có hiệu quả trước hết cần phải nhận dạng về chúng, hiểu biết về những đặc điểm cơ bản về sinh sản, phát triển và phân bố của từng nhóm, thậm chí từng loài.

Xu hướng hiện nay sử dụng biện pháp tổng hợp, thường xuyên, liên tục phù hợp đề phòng chống một số loài chân đốt có hại. Tuy nhiên, biện pháp hóa học đang là sự lựa chọn hàng đầu, mặc dù mặt trái của biện pháp này đã bộc lộ ngày càng rơ rệt như sự kháng hóa chất, sự ô nhiễm môi trường do hóa chất…

 

Xem thêm:

 

Xem thêm:

Rate this post
Zalo
Liên hệ >