Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống

1. Khái quát chung

Trên thế giới có khoảng 400 loài Anopheles trong đó khoảng 70 loài đốt máu người và có thể truyền sốt rét cho người và có khoảng 40 loài được xác định là véc tơ chính. Ngoài khả năng truyền bệnh sốt rét, một số loài muỗi Anopheles khác là trung gian truyền ấu trùng giun chỉ (Brugia malayi, Brugia timori và Wuchereria bancrofti) và các virus khác.

muoi anopheles thumnail
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 28

Muỗi Anopheles

Có nhiều biện pháp để phòng chống muỗi Anopheles, như các biện pháp sinh học, vật lý môi trường, sử dụng hóa chất… trong đó có các biện pháp sử dụng hóa chất là phổ biến và có hiệu quả nhất hiện nay.

2. Đặc điểm hình thái

Trứng Anopheles: Được đẻ từng quả rời rạc, bao gồm khoang trứng chứa noãn và 2 phao trứng 2 bên giúp trứng nổi trên mặt nước.

hinh the trung anopheles
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 29

Hình thể trứng Anopheles (a) Trứng muỗi Anopheles đẻ trên mặt nước ; (b) Trứng muỗi Anopheles phóng to

Bọ gậy Anopheles: Cấu tạo gồm 3 phần: Phần đầu có mắt, miệng và các phần phụ, phần ngực có 3 đốt, phần bụng có 10 đốt (2 đốt cuối biến đổi khác thường), đốt cuối có lỗ thở (không có ống thở) giúp bọ gậy lấy ôxy trong không khí. Khi bọ gậy nổi trên mặt nước luôn ở tư thế nằm ngang trên mặt nước đây là đặc điểm dễ nhận biết sự khác biệt so với bọ gậy các giống muỗi khác.

Hinh the bo gay Anopheles
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 30

Hình thể bọ gậy Anopheles

Quăng Anopheles: có hình dấu hỏi gồm 2 phần, phần đầu ngực dính liền với bao cánh ở trên đầu có 2 ống thở hình phễu, phần bụng gồm 10 đốt, đốt cuối biến đổi thành bánh lái.

Hinh the quang Anopheles
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 31

Hình thể quăng Anopheles

Muỗi Anopheles trưởng thành: Có cấu tạo gồm 3 phần: Phần đầu mang đôi mắt kép, vòi có cấu tạo kiểu chích hút, 1 đôi râu và một đôi pan. Phần ngực có 3 đốt, đốt ngực trước mang 1 đôi cánh mỏng trên cánh có các gân dọc ngang, mỗi đốt mang 1 đôi chân, chân được cấu tạo gồm đốt đùi, cẳng và 5 đốt bàn, cuối đốt bàn. Muỗi Anopheles trưởng thành khác các loài muỗi thuộc các giống Culex, Aedes, Mansonia… ở một số đặc điểm chính như chiều dài của pan bằng chiều dài của vòi, trên cánh muỗi có các vẩy đen trắng, muỗi đậu chếch một góc 45° so với giá thể, trừ Anopheles culicifacies, một loài truyền bệnh ở Nam Á là một ngoại lệ có tư thế đậu thân gần như song song với giá thể, nhìn gần giống như muỗi Culex. Đặc điểm phân biệt giữa muỗi đực và muỗi cái rõ nhất có thể quan sát được bằng mắt thường là đôi râu của muỗi đực có các nhánh dài, rậm hình phất trần, muỗi cái có các nhánh thua.

Hinh the muoi Anopheles truong thanh
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 32

Hình thể muỗi Anopheles trưởng thành

Tu the dau cua muoi Anopheles
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 33

Tư thế đậu của muỗi Anopheles

3. Đặc điểm sinh học, sinh thái

Muỗi nói chung và muỗi Anopheles nói riêng là côn trùng biến thái hoàn toàn trải qua 4 giai đoạn: trứng, bọ gậy, quăng là giai đoạn ở dưới nước và muỗi trưởng thành ở trên cạn. Mỗi vùng địa lý có phân bố các loài muỗi khác nhau, có tập tính khác nhau và có khả năng truyền bệnh khác nhau.

Sự giao hoan của muỗi là đặc điểm quan trọng trong sự sinh sản, thời gian giao hoan thường xảy ra vào các thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh. Trong quá trình giao hoan, những cá thể muỗi sẽ tụ tập thành đàn để các cá thể muỗi đực và muỗi cái sẽ cặp đôi giao phối. Cả đời muỗi đực chỉ giao phối 1 lần rồi chết sau đó 1 vài ngày, muỗi cái cũng chỉ 1 lần giao phối nhưng tinh trùng được giữ lại trong túi chứa tinh để thụ tinh cho nhiều lứa trứng. Muỗi Anopheles chỉ phát triển trứng khi hút được máu ít nhất 1 lần, tùy theo lượng máu hút được nhiều hay ít sẽ quyết định phát triển số lượng trứng.

Ở vùng nhiệt đới, trứng sau khi được muỗi đẻ xuống nước khoảng sau 2- 3 ngày nở thành bọ gậy, thời gian từ khi trứng nở tới khi muỗi trưởng thành khoảng 11-13 ngày.

Bọ gậy ăn các chất hữu cơ và vi sinh vật trong môi trường lớn dần lên bằng cách lột xác từ tuổi I thành tuổi II, tuổi III và tuổi IV trước khi nở thành quăng. Nơi cư trú của bọ gậy thay đổi theo từng loài, nhưng đa số chúng thích nơi có ánh sáng mặt trời, nước đọng hay chảy chậm, hai bên bờ có cây cỏ, rong rêu.

Vong doi cua muoi Anopheles
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 34

Vòng đời của muỗi Anopheles

Quăng không ăn, nhưng thường xuyên bơi lặn rất năng động, sau 2-3 ngày biến đổi bên trong và lột xác thành muỗi trưởng thành trên mặt nước. Muỗi trưởng thành chỉ có muỗi cái mới hút máu người và động vật, muỗi đực chỉ hút nước, các hidratcarbon trong tự nhiên. Đa số muỗi Anopheles hoạt động tìm mồi ban đêm, giờ hoạt động cao điểm trong đêm tùy theo loài, tùy theo điều kiện thời tiết cụ thể của đêm. Sự ưa thích vật chủ cũng khác nhau ở các loài khác nhau, có loài ưa đốt người, có loài ưa đốt động vật khác, có loài đốt cả người và động vật nhưng tỷ lệ đốt người và gia súc cũng tùy thuộc vào loài và tùy thuộc vào từng địa phương.

Vai trò y học quan trọng nhất của muỗi Anopheles là truyền bệnh sốt rét, ngoài ra còn truyền một số bệnh khác như bệnh giun chỉ và các bệnh virus. Một số phiền toái do muỗi gây ra như ngứa, dị ứng từ vết đốt có thể dẫn đến nhiễm trùng. Mỗi vùng địa lý có một số loài muỗi truyền sốt rét khác nhau, có loài đóng vai trò chủ yếu hoặc thứ yếu.

Cơ chế truyền bệnh sốt rét của muỗi theo con đường sinh học, muỗi hút máu người mang ký sinh trùng sốt rét (Plasmodium) có giao bào (Gametocysts) đực và giao bào cái sẽ kết hợp với nhau trong ruột giữa của muỗi thành hợp tử. Hợp tử bám vào thành ruột phát triển kích thước thành nang bào (Oocysts) bằng cách phân chia tăng số lượng tế bào rồi các tế bào này biến đổi thành thoa trùng (Sporozoites). Thoa trùng có hình lưỡi liềm di chuyển đến tuyến nước bọt chờ khi muỗi đi đốt máu người khác sẽ theo nước bọt vào máu qua vết đốt tiếp tục phát triển trong cơ thể người.

Co che truyen ki sinh trung sot ret Plasmodium
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 35

Cơ chế truyền kí sinh trùng sốt rét Plasmodium

4. Phân bố của muỗi Anopheles

Muỗi Anopheles phân bố rộng khắp trên thế giới, các loài khác nhau có vùng phân bố khác nhau. Sự phân bố của muỗi phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên và xã hội. Có loài ưa sống gần người, ưa trú đậu trong nhà, nhưng có loài ưa sống trong rừng, sự thay đổi sinh cảnh rừng có ảnh hưởng đến sự phát triển của các quần thể muỗi. Ở những khu vực trước đây còn rừng bao phủ những loài ưa rừng đã phát triển rất mạnh khi rừng bị khai thác, tàn phá thu hẹp diện tích sẽ không còn điều kiện thích hợp cho một số loài muỗi làm cho sự phân bố của chúng cũng bị thu hẹp lại.

Trên thế giới, sự phân bố của các loài muỗi rất đa dạng, các nghiên cứu tập trung nhiều đến các véc tơ sốt rét đã chỉ ra sự phân bố của các loài véc tơ. Kizewski đã tổng hợp lại vẽ bản đồ phân bố các véc tơ sốt rét chính trên thế giới đã khái quát được sự phân bố các véc tơ theo các vùng địa lý khác nhau.

Co che truyen ki sinh trung sot ret Plasmodium
Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và cách phòng chống 36

Bản đồ phân bố các véc tơ sốt rét chính trên thế giới

Theo tổng kết gần đây nhất thì ở Việt Nam đã phát hiện sự có mặt của 62 loài muỗi Anopheles (chưa kể An. harrisoni một loài đồng hình với An. minimus). Tuy nhiên, số loài có khả năng truyền bệnh được coi là véc tơ sốt rét chỉ khoảng 15 loài. Trong số đó ngoài những véc tơ chính và phụ đã được xác định còn bao gồm cả những loài muỗi chỉ nghi ngờ là véc tơ. Các tác giả thường dựa vào các yếu tố như sự có mặt của loài muỗi nào đó với mật độ cao trong các vụ dịch hoặc thời điểm bệnh lưu hành cao trong cộng đồng và tập tính ưa đốt máu người cao để xếp một số loài muỗi Anopheles là những véc tơ nghi ngờ.

Ở Việt Nam đã xác định có 3 véc tơ sốt rét chính là An. minimus, An. dirus, An. epiroticus, và một số véc tơ sốt rét phụ là An. aconitus, An. jeyporiensis, An.maculatus, An. sinensis, An. subpictus, An. vagus. Ngoài ra một số loài Anopheles khác nghi ngờ là véc tơ sốt rét như An. lesteri, An. nimpe, An. interruptus, An. culicifacies. Vai trò các véc tơ chính, phụ và nghi ngờ theo các vùng địa lý ở Việt Nam như sau:

Vectơ chính:

  • Vùng rừng núi phía Bắc từ 20° vĩ bắc trở ra: An. minimus
  • Vùng rừng núi từ 20° vĩ bắc trở vào Nam: An. minimus, An. dirus
  • Vùng ven biển nước lợ Nam Bộ: An. epiroticus

Vectơ phụ:

  • Vùng rừng núi toàn quốc: An. aconitus, An. jeyporiensis, An. maculatus
  • Vùng ven biển: An. subpictus, An. sinensis, An. vagus.

Vectơ nghi ngờ:

  • Vùng Đông Nam Bộ: An. interruptus
  • Miền Trung Tây Nguyên: An. culicifacies
  • Vùng ven biển Miền Bắc: An. lesteri
  • Vùng ven biển Nam Bộ: An. nimpe, An. campestris

Như vậy vùng miền núi phía Bắc chỉ có một véc tơ chính là An. minimus, vùng ven biển Nam bộ chỉ có một véc tơ chính là An. epiroticus nhưng vùng rừng núi từ 20 vĩ độ Bắc trở vào Nam (bao gồm Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số đảo như Phú Quốc, Côn Đảo) có sự phối hợp truyền bệnh của hai véc tơ chính là An. minimusAn. dirus. Sự trùng vùng phân bố này đã góp phần gây khó khăn cho công tác phòng chống véc tơ bởi sinh thái của hai loài này có nhiều đặc điểm khác nhau cho nên phải áp dụng các biện pháp phù hợp cho từng loài. Loài An. minimus truyền bệnh mạnh quanh năm, loài An. dirus có một đỉnh phát triển rất cao vào cuối mùa mưa. Đây cũng là một trong những lý do khiến tình hình SỐT RÉT những vùng này khó kiểm soát.

5. Vai trò gây bệnh, gây hại

Bệnh sốt rét hàng năm đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Sự lan truyền sốt rét là tác hại lớn nhất do muỗi Anopheles gây ra trên thế giới đặc biệt ở các vùng nhiệt đới Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ. Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu điều tra từ nhiều năm trước đây về phân bố của các loài muỗi, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng Plasmodium ở muỗi bằng phương pháp mổ trực tiếp tìm thoa trùng trong tuyến nước bọt của muỗi và kết quả phát hiện protein vỏ ngoài của thoa trùng bằng ELISA cho thấy rằng ở Việt Nam có 3 loài muỗi truyền sốt rét chính là An. minimus, An. dirus, và An. epiroticus có khả năng truyền bệnh rất mạnh và một số loài truyền sốt rét phụ có khả năng truyền bệnh yếu hơn.

Ba véc tơ sốt rét chính trong đó An. minimus sl. phân bố ở vùng rừng núi toàn quốc, An. dirus sl. phân bố ở vùng rừng núi phía nam tới Thanh hóa (vĩ độ 20) và An. epiroticus phân bố ven biển phía nam tới Bình Thuận (vĩ độ 11).

  • Mỗi véc tơ chính có phân bố tại Việt Nam thuộc một nhóm loài đồng hình và có phân bố rộng ở nhiều vùng thuộc Đông và Nam Á.
  • An. minimus đóng vai trò truyền bệnh chính ở vùng rừng núi toàn quốc.
  • An. dirus đóng vai trò truyền bệnh chính ở vùng rừng núi từ vĩ độ 20 trở vào Nam.
  • An. epiroticus đóng vai trò truyền bệnh chính ở vùng nược lợ ven biển Nam Bộ.

Ngoài các véc tơ chính còn có các véc phụ là An. subpictus, An. sinensis, An. vagus, An. maculatus, An. aconitus, An. jeyporiensis truyền sốt rét.

6. Biện pháp phòng chống

Từ khi Ronald Ross (1897) phát hiện bệnh sốt rét là do muỗi Anopheles truyền, việc phòng chống bệnh sốt rét không chỉ dừng lại ở điều trị bệnh nhân mà có thêm một biện pháp quan trọng nữa là phòng chống muỗi đốt nhằm hạn chế sự lan truyền. Để xác định được loài muỗi có khả năng truyền bệnh sốt rét cũng như để tìm các biện pháp phòng chống thích hợp, hiệu quả, cần nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái học, phân bố của muỗi.

Các biện pháp phòng chống được áp dụng nhằm diệt muỗi hoặc bọ gậy làm giảm mật độ muỗi, hoặc xua muỗi, hay ngăn trở muỗi tiếp xúc với người để đạt được mục đích, yêu cầu cuối cùng là hạn chế khả năng truyền bệnh của véc tơ. Để làm được điều này phải dựa trên cơ sở hiểu biết về véc tơ và mối quan hệ tương tác giữa véc tơ với người. Các biện pháp can thiệp phải được xây dựng dựa trên những hiểu biết về đặc điểm sinh thái học, sinh học véc tơ (thành phần loài véc tơ, phân bố, khả năng truyền bệnh, mùa sinh sản và phát triển, các giai đoạn phát triển, các đặc điểm liên quan đến vai trò truyền bệnh và mùa truyền bệnh …).

Chiến lược và biện pháp phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng quốc gia về tình hình bệnh tật, điều kiện kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực, mạng lưới chăm sóc bảo vệ sức khoẻ…Do có nhiều loài véc tơ và mức độ nguy hiểm của các véc tơ cũng khác nhau, cho nên cần lựa chọn những biện pháp tập trung phòng chống những loài véc tơ chính. Để thực hiện được cho cộng đồng cần phải đạt được tính hiệu quả, tính khả thi, tính an toàn, tính kinh tế, đơn giản, dễ thực hiện và điều quan trọng là phải được cộng đồng chấp nhận.

Việc phòng chống muỗi nói chung và PCVT sốt rét nói riêng có thể can thiệp vào các giai đoạn phát triển của muỗi như bọ gậy, quăng hay muỗi trưởng thành. Có thể phân loại các biện pháp PCVT thành 3 loại theo cơ chế tác dụng là vật lý, sinh học, hóa học.

6.1. Các biện pháp vật lý

Các biện pháp vật lý có từ cổ xưa, thông thường là các biên pháp thủ công đơn giản để xua và diệt muỗi, ngăn muỗi khó tiếp xúc đốt người dưới các hình thức cơ học. Những biện pháp được sử dụng lâu đời nhất như dùng các vật dụng đơn thuần để đập muỗi, xua đuổi muỗi bằng tay, quạt, cành lá, hun khói cho muỗi ra khỏi nhà, đóng kín cửa cho muỗi khỏi vào, mặc quần áo dài chống muỗi đốt… Các biện pháp mới hơn được áp dụng như làm lưới chắn muỗi cho nhà ở hoặc nằm màn tránh muỗi đốt. Trong những năm gần đây sử dụng vợt tích điện hoặc một số loại bẫy để diệt muỗi trong các gia đình tương đối phổ biến. Sử dụng vợt tích điện dễ dàng diệt được những con muỗi đang bay. Nguyên lý cơ bản của các bẫy là sử dụng ánh sáng hoặc phối hợp ánh sáng với hóa chất để dụ muỗi vào bẫy. Các biện pháp cải tạo môi trường như phát quang bụi rậm để muỗi không có chỗ trú ẩn gần nhà, khơi thông cống rãnh để trôi bọ gậy, đổ dầu trên mặt cống rãnh cho bọ gậy không thở được, thả hạt xốp, bèo che mặt nước…

Trong các biện pháp vật lý PCVTSR thì nằm màn là biện pháp rất hữu hiệu, nhất là khi phối hợp với biện pháp hóa học là sử dụng màn tẩm hóa chất. Biện pháp dùng màn tẩm hóa chất đã tỏ ra nhiều ưu việt cả về khả năng hạn chế lan truyền, chi phí thấp, dễ triển khai và được cộng đồng chấp nhận.

6.2. Các biện pháp sinh học

Một số biện pháp sinh học được nghiên cứu và áp dụng như thả cá ăn bọ gậy, cá ăn thực vật thuỷ sinh phá ổ bọ gậy. Một số nghiên cứu ở trên thế giới và Việt Nam đã cho thấy một số loài cá có khả năng diệt bọ gậy như cá cờ, cá khổng tước…hay cá trắm cỏ ăn rong phá ổ đẻ của muỗi, phá nơi trú ẩn của bọ gậy. Tuy nhiên, sự hạn chế của biện pháp thả cá là khó áp dụng, chỉ có thể áp dụng cho các thuỷ vực nước đứng.

Từ năm 1911 người ta đã phát hiện một số chủng vi khuẩn Bacilus có khả năng tiết độc tố diệt côn trùng, đến những năm 1950 thì những chế phẩm đầu tiên được sản xuất để bán trên thị trường. Biện pháp dùng chế phẩm Bacillus diệt bọ gậy được nghiên cứu và sử dụng nhiều nơi trên thế giới. Các bào tử của loại vi khuẩn này được sản xuất và thả xuống các thuỷ vực khi bọ gậy ăn phải vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố gây bệnh đường tiêu hóa làm bọ gậy chết. ở Việt Nam vi khuẩn Bacillus thuringiensis đã được Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương nghiên cứu ứng dụng từ những năm 1980, tuy nhiên việc ứng dụng không được rộng rãi bởi những nhược điểm khi áp dụng biện pháp này như phạm vi có thể áp dụng hẹp chỉ phát huy tác dụng ở thuỷ vực nước đứng, hiệu lực diệt tồn lưu ngắn, giá thành cao…

Ngoài nghiên cứu sử dụng Bacillus diệt bọ gậy, một số chủng nấm ký sinh phun trên tường vách đã gây bệnh và làm cho muỗi chết hơn 90% trong khoảng thời gian trước khi thoa trùng có thể chín. Đây cũng là một hướng nghiên cứu biện pháp thay thế cho sử dụng hóa chất nhất là cho những vùng hóa chất đã bị muỗi kháng cao.

Những nghiên cứu về thay đổi bộ gen ở muỗi như gây bất thụ hoặc làm giảm khả năng dung nạp hay kháng ký sinh trùng sốt rét. Tuy nhiên, muỗi chuyển gen này có khả năng thích nghi, sống sót và sinh sản kém, gene này sau 5 thế hệ thì bị đào thải khỏi quần thể nên chưa thể áp dụng trong thực tế.

6.3. Các biện pháp hóa học

Các biện pháp hóa học để diệt muỗi tỏ ra hiệu quả hơn cả nên việc sử dụng hóa chất để phòng chống muỗi trưởng thành là biện pháp chính. Các hóa chất được sử dụng dưới nhiều hình thức như phun tồn lưu trong nhà ở, tẩm màn, tẩm rèm, tẩm tấm đắp hoặc khăn choàng, kem xua, hương xua, bình xịt… tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, cá nhân mà người ta có thể áp dụng hình thức này hay hình thức khác. ở Việt nam cũng như trên thế giới, phương thức sử dụng hóa chất để PCVTSR bằng hình thức phun tồn lưu nhà ở và tẩm màn cho cộng đồng là phổ biến và đạt hiệu quả nhất.

Các biện pháp hóa học có thể được sử dụng để chống muỗi trưởng thành hoặc diệt bọ gậy. Một số hóa chất có thể được sử dụng thả trực tiếp xuống nước để diệt bọ gậy do đó có thể gây ô nhiễm môi trường nên việc sử dụng rất hạn chế. Một số hóa chất không độc với môi trường nhưng cũng có thể diệt được bọ gậy như Agnique MMF (mono molecular film) là một chế phẩm đã được nghiên cứu sử dụng, tác dụng diệt bọ gậy của hóa chất này dựa trên nguyên lý làm giảm sức căng bề mặt nước làm cho bọ gậy không giữ được lỗ thở nổi trên mặt nước được và sẽ bị chết do thiếu ôxy. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất này cũng rất hạn chế.

Các biện pháp hóa học chống muỗi trưởng thành đã chứng tỏ thế mạnh của chúng đã góp phần to lớn cho những thành công trong công tác phòng chống sốt rét ở nước ta cũng như trên thế giới. Một số nhóm hóa chất đã được sử dụng để phòng chống véc tơ sốt rét bao gồm chlo hữu cơ, phốt pho hữu cơ, carbamat, pyrethroid. Hiện nay trên thế giới nhóm pyrethroid đang được sử dụng rộng rãi nhất, trong đó có Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc làm giảm mức độ lan truyền sốt rét trên toàn quốc. Hai hình thức cơ bản được áp dụng là phun tồn lưu trên tường và tẩm màn, ngoài ra một số hình thức bảo vệ cá nhân khác như hương xua- diệt, bình xịt, kem xua, tẩm rèm, màn, bọc vơng, khăn choàng.., được áp dụng tuỳ điều kiện.

6.3.1. Biện pháp phun tồn lưu

Nguyên lý và lựa chọn hóa chất

Nguyên lý phun tồn lưu trên tường vách dựa trên khả năng gây độc cho muỗi bằng con đường tiếp xúc, bởi các đặc điểm sinh thái của các véc tơ như khi vào nhà tìm mồi có thời gian đậu rình mồi, hoặc một số loài có tập tính trú đậu tiêu máu trong nhà. Khi muỗi đậu trên tường vách, chân muỗi tiếp xúc với hóa chất chúng sẽ bị ngộ độc. Đa số muỗi đậu trên tường vách chỉ ở độ cao từ 2 mét trở xuống cho nên việc phun hóa chất cũng được chỉ định phun trên tường vách từ 2 mét trở xuống để tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn đạt được hiệu quả. Trên thực tế, bề mặt tường vách được làm bằng các loại nguyên vật liệu khác nhau, những vật liệu nào càng giữ được hóa chất bám trên bề mặt lâu, ít bị thấm sâu vào trong, ít bị phân huỷ bởi chất liệu làm tường vách thì càng phát huy được tác dụng của biện pháp phun tồn lưu.

Trải qua nhiều năm thử nghiệm, nhóm pyrethroid được hầu hết các nước lựa chọn sử dụng cho chương trình phòng chống sốt rét của mình. Cho đến nay nhóm pyrethroid đang được sử dụng phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam, dưới nhiều dạng thương phẩm khác nhau, với các hình thức sử dụng như phun tồn lưu, tẩm màn, hương xua, kem xoa… nhưng phun tồn lưu và tẩm màn là chủ yếu.

Hiệu lực diệt tồn lưu

Biện pháp phun tồn lưu có tính chất bảo vệ cộng đồng cao bởi nó tiêu diệt cả những con muỗi nghỉ tạm rình mồi trên đường đi kiếm ăn hay sau khi đốt mồi và cả những con muỗi trú đậu tiêu máu trong nhà. Biện pháp này làm giảm mạnh mật độ muỗi ở vùng phun cho nên có tác dụng hạn chế lan truyền bệnh và rất hữu hiệu trong chống dịch.

Hiệu lực diệt tồn lưu của mỗi hóa chất dài hay ngắn phụ thuộc vào loại hóa chất, liều lượng phun, nguyên liệu bề mặt tường vách và điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, gió… Các nghiên cứu thử nghiệm đã tìm ra các liều lượng tối ưu cho mỗi loại hóa chất để đảm bảo diệt véc tơ có hiệu quả đồng thời an toàn cho người, gia súc và ít ảnh hưởng đến môi trường cũng như để tiết kiệm hóa chất và kinh phí.

Chương trình quốc gia PCSR ở Việt Nam đã đưa vào thử nghiệm nhiều loại hóa chất để PCVT bằng phun tồn lưu thay cho DDT. Một số hóa chất nhóm pyrethroid đã được chọn và sử dụng để phun nhưng rộng rãi nhất là lambda- cyhalothrin (ICON), alpha-cypermethrin (Fendona, Alé)…

Lambda-cyhalothrin phun với liều 30mg/m2 có tác dụng tồn lưu từ 1 đến 9 tháng tuỳ theo loại tường vách và điều kiện môi trường. Với vách làm bằng tre, nứa, gỗ và ở điều kiện môi trường các tỉnh miền Bắc hiệu lực tồn lưu được 9 tháng còn ở miền Trung chỉ được 5-6 tháng. Với các loại tường gạch và đất nhìn chung hiệu lực tồn lưu dưới 1 tháng.

Alpha-cypermethrin phun với liều lượng 30mg/m2 có tác dụng diệt tồn lưu trên tường gỗ và gạch tới 6 tháng…

6.3.2. Biện pháp tẩm màn

Nguyên lý và lựa chọn hóa chất

Biện pháp tẩm màn nhằm ngăn cản những con muỗi trên đường bay vào đốt người, biện pháp này thiên về bảo vệ cá nhân hơn là bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, những con muỗi sau khi tiếp xúc với màn tẩm hóa chất có thể bị chết nên không đi đốt người khác được, nên biện pháp này cũng có ý nghĩa bảo vệ cộng đồng.

Bởi vì người sử dụng màn tẩm hóa chất diệt côn trùng hàng đêm ngủ trong màn phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trên màn nên các hóa chất được lựa chọn để tẩm màn phải có tiêu chuẩn về độ an toàn cao, không gây những tác dụng không mong muốn và không có mùi khó chịu. Cũng như phun tồn lưu trên tường, hóa chất để tẩm màn hiện nay ở hầu hết các nước được lựa chọn là các hóa chất nhóm pyrethroid.

Hiệu lực diệt tồn lưu

Các nghiên cứu tẩm màn được tiến hành từ những năm 80 của thế kỷ trước thấy rằng permethrin tẩm màn vừa có tác dụng diệt, vừa có tác dụng xua, với liều 0,08 g/m2 có tác dụng tồn lưu 5 tháng. Thử nghiệm với màn tẩm permethrin trên cả 3 miền đã rút ra nhận xét với các liều tẩm màn từ 0,08 đến 0,2 mg/m có tác dụng tồn lưu từ 3 đến 6 tháng tuỳ theo địa phương. Các nghiên cứu đánh giá hiệu lực của một số hóa chất tẩm màn ở Việt Nam như deltamethrin (peripel, K-Othrin) từ 3 đến 6 tháng, Etofenprox (vectron) từ 5 đến 9 tháng… Tẩm màn permethrin 0,2g/m2 trên diện rộng, làm giảm đáng kể mật độ muỗi nói chung, giảm mật độ muỗi vào nhà.

Một nhược điểm của màn tẩm hóa chất là dễ mất tác dụng sau khi giặt. Trước khi tẩm hóa chất, màn được giặt sạch sẽ nhưng trong quá trình sử dụng màn thường bị bẩn và người dân phải giặt màn trước khi hết tác dụng tồn lưu của hóa chất. Để khắc phục nhược điểm này, người ta đã nghĩ ra cách gắn hóa chất lên màn theo công nghệ riêng của từng hãng sản xuất màn thương phẩm. Các loại “màn tồn lưu lâu” (long lasting insectisidual nets-LLINs) đã được nghiên cứu, sản xuất, và được sử dụng tương đối rộng rãi, hiệu lực diệt tồn lưu của loại màn này có thể vẫn còn sau nhiều lần giặt. Điển hình có thể kể là các loại màn Olyset (hãng Sumitomo), Permanet (hãng vestergaard), Taranet (hãng Dawa)… Sử dụng màn tồn lưu lâu có thể giảm bớt được chi phí cho việc tổ chức tẩm màn hàng năm đồng thời cũng giảm bớt lượng hóa chất gây ô nhiễm đưa vào môi trường.

6.3.3. Các biện pháp sử dụng hóa chất khác

Ngoài phun tường vách và tẩm màn hóa chất là hai biện pháp chủ yếu để bảo vệ người khỏi muỗi đốt, một số biện pháp khác cũng được nghiên cứu và áp dụng như tẩm rèm, tẩm khăn choàng, tẩm tấm đắp, běnh xịt, hương muỗi, kem xua diệt muỗi… Các hình thức này thông thường chỉ áp dụng cho địa phương hay cá nhân có điều kiện đặc thù. Chẳng hạn như tẩm tấm choàng, tấm đắp có thể áp dụng được cho những người làm việc đêm trong rừng hay lính chiến. Sử dụng bình xịt, kem xoa, chỉ có tác dụng xua muỗi tức thời khi làm việc ngoài trời, hương muỗi phát huy tác dụng xua chủ yếu ở trong nhà buổi tối khi người ta chưa vào màn. Một hướng nghiên cứu khác sử dụng mồi bả diệt muỗi, tuy nhiên kết quả cho thấy hiệu quả chủ yếu với giống Culex còn với giống Anopheles và Aedes rất hạn chế. Nói chung các hình thức sử dụng hóa chất trên đây phát huy được hiệu quả trong các điều kiện đặc thù của địa phương hay cá nhân do đó cũng góp phần bảo vệ người khỏi bị muỗi đốt.

Biện pháp phòng chống véc tơ tổng hợp có thể được áp dụng dựa trên cơ sở: Tuyên truyền vận động xã hội và pháp luật; Hợp tác giữa ngành Y tế với các ngành khác; Tiếp cận lồng ghép các biện pháp; Áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; Phát triển nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng chống côn trùng.

 

Rate this post
Zalo
Liên hệ >