Mò và cách phòng chống

1. Khái quát chung

  • Ngành chân đốt: Arthropoda
  • Lớp hình nhện: Arachnida
  • Thế giới đã biết ~ 3.000 loài (10% sau ấu trùng)
  • Đông Nam Á: 350 loài, 50 giống.
  • Việt Nam: 107 loài, 24 giống.
Cụm mò trên ngọn cây
Cụm mò trên ngọn cây

2. Đặc điểm hình thái ấu trùng mò

Ấu trùng có hình ovan, phủ ít lông, gồm đầu giả (gnathosoma) và thân (diosoma), kích thước bé, từ 0,2 – 2,0 mm.

Đầu có pan gồm 4 đốt: gốc, đùi, cẳng, và bàn. Trên các đốt pan có lông.

Cấu tạo chung ấu trùng mò
Cấu tạo chung ấu trùng mò

Trên bàn pan có móng, móng xẻ đôi hay xẻ ba tùy theo giống và loài. Trước đầu giả là kìm, cuối kìm có mấu. Gốc kìm có lông bao kìm. Lông bao kìm phân nhánh hay không phân nhánh.

Ấu trùng mò E. wichmanni
Ấu trùng mò E. wichmanni

Giai đoạn ấu trùng sống ký sinh trên một số động vật như chim, thú, người và truyền bệnh. Ấu trùng 3 đôi chân, thanh trùng và trưởng thành 4 đôi chân. Các giai đoạn khác không ký sinh, sống tự do. Phân loại mà chủ yếu dựa vào ấu trùng.

3. Đặc điểm sinh học, sinh thái

Chu kỳ sống của mò
Chu kỳ sống của mò

Ấu trùng bò trên cỏ hoặc bụi cây thấp, chờ đồ vật hay người đi qua bám vào hút máu trong 2 ngày – 1 tháng, sau đó chui xuống đất nằm im không hoạt động để phát triển thành nhộng thanh trùng và nhộng thành trùng và trưởng thành.

Ấu trùng mò và mò trưởng thành
Ấu trùng mò và mò trưởng thành

Mò trưởng thành màu nâu đỏ, phủ nhiều lông, có 8 chân, sống trên đất không ký sinh và hút máu (hình).

Mò đẻ trứng trên đất ẩm, trứng phát triển thành tiền ấu trùng; tiền ấu trùng chuyển sang ấu trùng (từ 8-10 ngày).

4. Phân bố

Mò phân bố theo vùng địa lý, khí hậu; theo sinh cảnh và theo vật chủ. Vật chủ của mò chủ yếu là chuột, sóc, gà, đôi khi cả người. Tại Việt Nam có 99 loài (92,7%) ký sinh trên lớp thú (Mammalla). Vì vậy việc thu thập ấu trùng mà chủ yếu tập trung thu thập được vật chủ của chúng là các loài thú nhỏ, đặc biệt là gặm có 76,6% loài. Vùng trung du và rừng núi có 95,3% loài mò; đồng bằng 21% số loài phân bố.

  • Mò thường không phát tán rải rác, chúng thường tập trung hoạt động trong phạm vi có đường kính 3m, gọi là ổ mò. Tuy nhiên, do nước lũ hoặc do vật chủ hoạt động, mò có thể đi xa hơn đến nơi mới. Ở khu vực có điều kiện thích hợp, có thể hình thành nhiều ổ mò.
  • Người ta có thể bắt gặp mò cả ở vùng núi, đồng bằng và bờ biển.
  • Mò thường ở những nơi thung lũng, ven suối, gần nguồn nước, bãi, vườn hoang, là những nơi có vị trí thấp, râm mát, độ ẩm cao, cây cỏ rậm và có nhiều chuột hoạt động.

5. Vai trò gây bệnh, gây hại

Mò truyền bệnh sốt mò (Tsutsugamushi), hay sốt phát ban bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, bệnh nhiễm trùng cấp tính (thuộc nhóm C). Mầm bệnh là Rickettsia tsutsugamushi hay Orientia sutsugamushi ký sinh nội bào, không lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành hay từ động vật sang người, mà phải qua mò đốt. Tại Nhật Bản (1952), bệnh này đã để lại nỗi kinh hoàng cho dân làng Niigata sau nhiều năm.

Giai đoạn ấu trùng mới ký sinh hút máu và truyền bệnh. Mầm bệnh truyền qua các thế hệ, qua trứng. Bệnh sốt mò phân bố ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam sốt mò đã được Noc. Gout ron phát hiện tại Sài Gòn vào năm 1915. Từ đó đến năm 1964, bệnh xảy ra ở vùng trung du và rừng núi thuộc các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Quảng Trị, Bình Long (Bến Cát) và đã có hàng nghìn người mắc và hàng trăm người chết do sốt mò. Sau năm 1964, bệnh sốt mò đã được tiếp tục phát hiện ở các tỉnh như: Sơn La, Yên Bái, nghĩa Lộ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa,… Từ tháng 3 năm 2001 đến hết tháng 2 năm 2003 có 255 bệnh nhân rải rác ở 24 tỉnh vào điều trị tại Viện Lâm sàng y học các bệnh nhiệt đới đã được khẳng định bị mắc sốt mò do có kháng thể với O. tsutsugamushi theo kết quả xét nghiệm ELISA. Năm 2014 tại Yên Bái đã có hơn 100 người mắc sốt mò tới điều trị tại bệnh viện Nghĩa Lộ.

6. Biện pháp phòng chống

Diệt mò, diệt ổ mò và bảo vệ cá nhân, trong đó diệt ổ mò là cơ bản nhất.

Ở những nơi có lưu hành sốt mò nặng, ổ mò hình thành có thể nhiều, không thể cùng lúc diệt nhiều ổ được. Bởi vậy, cần phát hiện và diệt trước tiên những ổ mò có liên quan nhiều đến hoạt động của người như xung quanh làng, bản, doanh trại quân đội, cơ quan, bến tắm, nơi thường xuyên đến khai phá, tăng gia…

Phát quang bờ bụi, quét nạo sạch mùn đất, rác rưởi, làm nơi đó trở nên khô ráo, san bằng những chỗ mấp mô, nện chặt những khe kẽ đất… Mặt khác, đẩy mạnh công tác diệt chuột và các vật chủ của mò.

Sử dụng hóa chất diệt mò: Diệt mò trên đất, trong hang ổ súc vật, trên những bãi cỏ, bụi rậm, thuốc có hiệu quả nhất là các hóa chất thuộc nhóm pyrethroid… bằng phun tồn lưu.

Phòng vệ cá nhân phòng chống đốt:

  • Tuyệt đối không nằm đất, sàn phải cao ít nhất 0,40m.
  • Không phơi treo quần áo trên cỏ nhất là khi tắm suối sông.
  • Phải đi giày, thắt ống quần áo.
  • Không ngồi bệt xuống đất, bãi cỏ.
  • Không mặc quần đùi, áo cộc khi làm việc đi lại trong rừng, nên bôi hóa chất xua côn trùng lên những chỗ da hở: DMP, DETA. Trong những điều kiện phải thường xuyên tiếp xúc với vùng nhiễm mò, cách tốt nhất là tẩm quần áo bằng hoá chất và cho quần vào trong tất. Quần áo có thể tẩm bằng một hoặc hợp chất của các chất xua với một hoá chất thuộc nhóm pyrethroid (permethrin, cyfluthrin).
  • Hàng ngày vào buổi chiều nên giũ phủi quần áo cho sạch mò lấy khăn ướt lau nách, bẹn và toàn thân, nếu thấy nốt loét phải điều trị dự phòng khẩn cấp.

Điều trị dự phòng khẩn cấp:

Trong thời kỳ nung bệnh, bệnh nhân chưa thấy nốt loét hạch sưng thì cho uống 1gr chlomycetin hoặc tetracyclin 1- 1,5gr/ngày để ngăn chặn không cho bệnh tái phát, khi nốt loét đã đóng vảy hoặc lên sẹo không còn viêm đỏ (viền đỏ đã thâm lại thì không cần điều trị dự phòng).

 

Rate this post
Zalo
Liên hệ >