Trước hết, chúng ta nên làm rõ định nghĩa “nọc độc rắn” (gọi tắt là “độc rắn”) là gì. Cuốn Snake VenomS (Nọc Độc Rắn) của tác giả P. Gopalakrishnakone và cộng sự (xuất bản bởi NXB Springer trong series sách Toxinology, số 7, năm 2020) định nghĩa chung về “nọc độc” như sau:
“Nọc độc là một hỗn hợp (từ gốc: complex) các chất được tạo ra trong các tuyến được biệt hóa, thường được truyền đi thông qua các hệ thống đặc biệt gồm tuyến độc, răng nanh/ngòi chích, và các hành vi khiến chất độc thâm nhập vào các mô cơ thể của nạn nhân, thường thông qua cách tiêm chích (khác với hấp thụ qua ăn uống, hít thở hay qua da như ngộ độc) (Mackessy, 2009)…”
Còn trong cuốn Venomous Snakes – Envenoming, Therapy (Rắn Độc – Tiêm Độc, Điều Trị) của tác giả Jiri Valenta, xuất bản năm 2010 bởi NXB Nova Science Publishers, Inc., định nghĩa về nọc độc rắn như sau:
“Nọc độc rắn, được tạo ra và trữ trong các tuyến nọc, là chất lỏng nhớt có màu trắng, vàng, hoặc cam tùy vào loài, tuổi và điều kiện của con rắn…”
Cuốn Handbook of Venoms and Toxins of Reptiles (Sổ Tay về Nọc Độc và Độc Chất của Bò Sát) của tác giả Stephen P. Mackessy xuất bản năm 2010 bởi NXB Taylor & Francis Group, LLC cũng có định nghĩa:
“…, nhưng nọc độc ở đây được định nghĩa là một chất từ đơn giản đến phức tạp được tạo ra từ các tuyến được biệt hóa, thường được truyền qua một hệ thống chuyên biệt, gồm một tuyến tiết ra, thường (nhưng không phải luôn luôn) là răng (Vonk và cs., 2008), và các hành vi cho phép truyền chất độc…”
Vậy tổng hợp các định nghĩa trên, ta đơn giản hóa lại rằng:
“Chất độc là chất lỏng được tiết ra từ các tuyến nọc độc, và đưa vào cơ thể nạn nhân bằng cách tiêm/chích. Ở rắn, nọc độc được tiêm thông qua răng nanh, hay còn gọi là móc độc…”
Liệu rắn nhỏ có nguy hiểm hơn rắn lớn hay không?
Câu hỏi này có rất nhiều thứ để phân tích. Thứ nhất, nguy hiểm là gì? Độc hơn cũng là nguy hiểm hơn, mà nếu không độc hơn nhưng tỷ lệ tiêm nọc khi cắn lớn hơn cũng là nguy hiểm hơn, mà nếu tỷ lệ tiêm nọc và độc lực giống nhau nhưng mà rắn nhỏ hay tấn công hơn rắn lớn cũng tính là nguy hiểm hơn, rồi nếu những cái kia như nhau nhưng lượng độc lớn hơn cũng tính là nguy hiểm hơn! Một chữ nguy hiểm có cả ngàn cách suy diễn hợp lý, nên các bạn cần phải xác định xem các bạn muốn hỏi nguy hiểm ở mặt nào. Đối với một số loài rắn, những loài rắn nhỏ có các thành phần độc khác với con trưởng thành, thường là đậm đặc hơn hoặc độc lực cao hơn, điều này giúp cho rắn con (chưa có kinh nghiệm và kỹ năng săn mồi) giết con mồi dễ và nhanh hơn, không bị chết đói. Đối với một số loài khác, tỷ lệ tiêm nọc ở con non lớn hơn con trưởng thành vì con non chưa biết cách điều tiết lượng nọc, tuy nhiên, trong đám đó thì đa phần, con trưởng thành lại có lượng độc cao hơn, một bên là tỷ lệ tiêm độc, một bên là lượng nọc, không thể so sánh được, và số loài rắn trên thế giới là vô vàn nên cũng không thể đi làm thí nghiệm hết được. Nói chung, chuyện so sánh độ “nguy hiểm” chung chung của các cá thể nhỏ và cá thể trưởng thành là vô ích, vì dù nguy hiểm hơn hay ít nguy hiểm hơn thì những cá thể rắn độc đều có thể cho bạn vào viện hoặc tệ hơn là trại hòm, hãy cẩn thận khi tiếp xúc với chúng và không nên chủ quan dù con rắn độc đó có nhỏ mấy đi nữa.
Liệu rắn mẹ khi sinh nở có độc hơn không? Và liệu rắn đến ngày trăng rằm có độc hơn không?
Câu hỏi nghe vô lý nhưng lại khá thuyết phục. Chúng ta nên hiểu rằng, mọi thứ trong tự nhiên đều có nguyên do của chúng, vậy nếu áp dụng nó vào câu hỏi thứ nhất, thì câu hỏi đặt ra là: Rắn mẹ sinh nở độc hơn để làm gì? Theo kinh nghiệm dân gian, ông bà ta hay bảo là rắn sinh nở độc hơn để tự vệ khi ấp trứng, nhưng mà đa phần các loài rắn không ấp trứng, chúng chỉ đẻ trứng và sau đó rời đi, rắn hổ chúa là một ngoại lệ, tuy nhiên, không có ghi nhận nào cho thấy nọc độc của rắn hổ chúa độc hơn khi sinh nở và canh trứng. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng lượng độc (chứ không phải độc lực) của rắn thay đổi theo mùa, nhưng nó thay đổi theo mùa săn bắt chứ không phải mùa sinh sản, ví dụ như quần thể rắn hổ mang Trung Quốc trên lục địa Trung Quốc, người ta đã ghi nhận được rằng lượng độc của rắn tăng lên vào mùa xuân, khi các loài thú nhỏ và ếch nhái bắt đầu hoạt động kiếm ăn sau mùa đông, và đó là mùa duy nhất xuất hiện sự thay đổi đó, không ghi nhận sự thay đổi vào mùa sinh sản. Về câu hỏi thứ hai, thì như đã giải thích ở trên, độc rắn thay đổi theo mùa nhằm tìm kiếm thức ăn dễ hơn, và không có mối liên hệ nào giữa việc rắn kiếm ăn hay sinh sản và ngày trăng rằm (hằng tháng), rắn cũng cần một quãng thời gian để sản xuất và thay đổi lượng độc chứ không tuân theo một sự tâm linh huyền bí cô hồn vất vưởng nào của ngày rằm cả. Tuy nhiên, nếu nói độc rắn có thay đổi về lượng độc hoặc độc lực hoặc cả hai vào thời điểm trăng rằm sáng nhất khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 (hiểu một cách miễn cưỡng) thì vẫn có thể có cơ sở, vì đây là mùa các loài bò sát, lưỡng cư bắt đầu sinh sản ở Việt Nam, và rắn có thể kiếm ăn thuận lợi vào khoảng thời gian này. Và thế là lòi ra thêm một cái hay nữa: Nhỡ đâu mùa sinh sản của rắn trùng với mùa săn bắt thuận lợi thì sao? Thì rắn trong mùa sinh sản sẽ trùng hợp có sự thay đổi về thành phần và lượng nọc độc, nhưng mà để kiếm ăn chứ không phải ấp trứng! Còn chuyện rắn không độc đến lúc trăng rằm lại tự nhiên có độc thì lại không hề có cơ sở!
Thế thì loài rắn nào là độc nhất?
Câu hỏi này khá là dễ, nhưng cũng khá là khó để trả lời. Để đo độc lực của các loài rắn, người ta sử dụng phương pháp đo theo LD50, liều gây chết trung bình. Giải thích đơn giản, người ta lấy một khối lượng độc rắn nhất định, tiêm vào 100 (ví dụ) con vật thí nghiệm giống nhau, người ta sẽ xem với bao nhiêu lượng nọc thì khoảng một nửa (tức 50%) số lượng vật thí nghiệm chết trong một thời gian nhất định, và người ta sẽ lấy khối lượng đó chia cho tổng cân nặng của tất cả các vật thí nghiệm. Đơn vị thường là mg/kg đối với nọc độc rắn. Khi tiêm ở những vị trí khác nhau trên cơ thể thì nọc độc rắn lại có tác dụng khác nhau, nên người ta sẽ lập bảng để liệt kê ra những kết quả khi tiêm nọc rắn vào những nơi khác nhau trên cơ thể, nhưng thường người ta sẽ xét khi tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, lưu ý rằng, những con số trong bảng LD50 được thử nghiệm ở nhiều vị trí hơn tĩnh mạch, ví dụ như tiêm dưới da, tiêm màng bụng hay tiêm vào cơ bắp, nên những con số đó chỉ mang tính chất tham khảo, khi bạn so sánh xem loài nào độc hơn thì phải xem luôn vị trí độc rắn tiêm vào ở đâu nữa. Tiện đây, mình xin giới thiệu về một trang mà các bạn có thể tham khảo bảng LD50 này đối với các loài rắn, số càng nhỏ thì độc càng mạnh, đó là trang http://snakedb.org/ld50, nhưng mà hãy chỉ tham khảo, đừng thử!
Nguồn: Nhận dạng Rắn và Sơ cứu Rắn cắn tại Việt Nam (SIFASV)