1. Khái quát chung về bọ chét
Bộ bọ chét – Siphonaptera thuộc lớp Côn trùng – Insecta.
Trên thế giới đã phát hiện khoảng 2.000 loài, 18 họ. Có 124 loài bọ chét có khả năng truyền bệnh dịch hạch (Rann, 1960). Ở Việt Nam đã phát hiện được 34 loài, thuộc 18 giống, 7 họ.
2. Đặc điểm hình thái của con bọ chét
Bọ chét là côn trùng không cánh; cơ thể dài 1,5 mm – 2,5 mm, hình bầu dục, dẹp theo hướng hai bên, màu vàng, nâu hoặc đen nâu, có nhiều loại lông cứng mọc xiên ra sau.
Cơ thể bọ chét chia làm 3 phần: Đầu, ngực và bụng.
- Bọ chét có 3 đôi chân khỏe, đặc biệt đôi chân thứ ba.
- Đầu có mắt, anten, trán và phần phụ miệng kiểu chích hút.
- Ngực ba đốt, chân ba đôi (chân trước, giữa và sau). Chân gồm 5 đốt.
Bọ chét Ctenocephalides felis orientis
3. Đặc điểm sinh học, sinh thái
Bọ chét là côn trùng không cánh. Vòng đời phát triển của bọ chét qua các giai đoạn: Trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành. Bọ chét đẻ trứng trên đất, cát, rơm rác, các chất mùn trong hang tổ của vật chủ. Trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng ăn các chất bài tiết của vật chủ và ấu trùng các loại động vật chân đốt khác để sống. Trứng nở sau 3 – 6 ngày, thông thường sau 4 ngày ấu trùng thoát ra khỏi vỏ trứng.
Ấu trùng mới nở màu trắng đục, có dạng hình sâu dài 4 – 5mm (tuổi 3) gồm 2 phần: Đầu và thân, màu trắng đục, không mắt, không chân cơ thể dẹp theo hướng lưng bụng, màu sáng và phủ một ít lông, sau 2 lần lột xác thì chuyển sang giai đoạn nhộng hay hóa kén.
Chu kỳ phát triển của bọ chét a – Trứng; b – ấu trùng; c – Nhộng; d – Bọ chét trưởng thành
Từ trứng đến trưởng thành diễn ra trong 23 – 31 ngày. Một con cái có thể giao phối một lần và đẻ trứng, mỗi ngày có thể đẻ 50 trứng.
Ra khỏi kén, 60% bọ chét nửa giờ sau hút máu ngay, số còn lại 1 – 2 giờ mới hút máu vật chủ. Sự giao phối của bọ chét xảy ra ngay trên mình vật chủ, khi chúng đã hút no máu, hiện tượng này xảy ra vào cuối ngày đầu mới nở hay đầu ngày thứ hai (quan sát khi nuôi bọ chét); thời gian giao cấu khoảng 10 phút.
Giai đoạn trưởng thành bọ chét sống liên tục hoặc không liên tục trên cõ thể vật chủ để hút máu, diễn ra trong hang tổ vật chủ hoặc trong đất, nơi sống và hoạt động của vật chủ.
Thực nghiệm cho thấy rằng bọ chét phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu khô với nhiệt độ 20 – 25°C. Tuổi thọ của bọ chét có thể tới một năm và có thể ở trong giai đoạn kén đến một năm nếu các điều kiện không thuận lợi. Do vậy, phun hóa chất diệt bọ chét cần nhiều lần.
Bọ chét có đôi chân thứ ba rất khỏe nên có thể nhảy cao 0,33- 0,5m, cao gấp 200 lần chiều dài và 130 lần chiều cao cơ thể bọ chét, vì vậy khi phun hóa bám lên tường 0,5m.
4. Phân bố
Bọ chét phân bố theo từng loài, từng sinh cảnh, vùng địa lý và theo vật chủ. Ví dụ loài Xenopsylla cheopis phân bố rộng, sinh cảnh cát, bụi như ven biển; vật chủ là gậm nhấm. Loài bọ chét chó mèo Ctenocephalides felis orientis.
5. Vai trò gây bệnh, gây hại
Bọ chét chủ yếu truyền bệnh dịch hạch, sốt phát ban chuột, bệnh nhiễm khuẩn Whitmori. Ngoài ra, bọ chét có thể nhiễm tác nhân gây bệnh Tulare, bệnh viêm não do ve, viêm màng não và các bệnh khác đồng thời là vật chủ trung gian trong mắt xích của bệnh ký sinh trùng, mầm bệnh là Dipylidium caninum và Dirofilaria immitas.
Loài Xenopsylla cheopis, Ctenocephalides canis trung gian truyền bệnh dịch hạch chủ yếu trên thế giới. Loài Tunga penetrans ký sinh trên người và động vật gây bệnh Tungiasis, một bệnh khá nguy hiểm tìm thấy trong vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là miền Nam và Trung Mỹ, Tây Ấn. Loài bọ chét này không phân bố ở Việt Nam.
Bọ chét Tunga penetrans a – Bọ chét đực; b – Bọ chét cái chứa đầy trứng
Trong điều kiện thí nghiệm bọ chét có thể nhiễm và duy trì trong cơ thể một thời gian khá dài hàng loạt tác nhân gây bệnh: Tulare, sốt mò Tsutsugamushi, sốt Mác xây, sốt Q, bệnh nhiễm khuẩn Whitmori, Brucell, giả lao, bệnh viêm quầng giả.
Bọ chét đốt gây ngứa ngáy và đôi khi rất khó chịu. Bị đốt nhiều có thể gây dị ứng và viêm da. Bọ chét chó mèo Ctenocephalides felis felis, Ct. felis orientis và bọ chét người Pulex irritans thường đốt người khi thiếu vật chủ chính.
6. Biện pháp phòng chống
- Tự bảo vệ cá nhân: Bôi thuốc vào da và quần áo, hay tẩm hóa chất vào quần áo.
- Vệ sinh nhà cửa: Bọ chét trưởng thành, trứng, ấu trùng và kén có thể hết khi quét dọn, cọ rửa nền nhà và giữ nhà sạch sẽ; dọn nhà bằng máy hút bụi cũng có tác dụng hút bỏ bọ chét.
- Dùng hóa chất diệt côn trùng: Trong trường hợp nhiễm bọ chét nặng, có thể phun hoặc rắc hóa chất diệt côn trùng vào các khe kẽ, góc phòng nơi có mặt bọ chét và ấu trùng. Cũng có thể dùng hóa chất xử lý quần áo và lông động vật. Các bình xông hơi hay phun trực tiếp các chất diệt tác dụng nhanh như Pyrethroids, propoxur và bendicarb. Tuy nhiên, tác dụng của hóa chất diệt ngắn và sự tái nhiễm bọ chét nhanh.
- Kết hợp diệt chuột và diệt bọ chét.
- Rắc hóa chất ít có mùi hơn và không ảnh hưởng nhiều đến da như việc phun. Không được dùng carbaryl và malathion cho gà con và chó con dưới 4 tuần tuổi. Gia súc có thể được đeo một vòng cổ bằng có tẩm hóa chất diệt bọ chét.
Gần đây, viên lufenuron đã được sử dụng để phòng chống bọ chét cho chó và mèo. Những viên này được cho uống 1 tháng 1 lần với liều 30mg/kg thể trọng đối với mèo và 10mg/kg thể trọng đối với chó, và an toàn khi dùng với động vật mang thai và đang nuôi con. Lufenuron được bọ chét cái hút vào theo máu khi đốt vật chủ và có tác dụng ngăn cản sự phát triển của trứng.
Xem thêm: