Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả

Bạch hầu là một căn bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm, có khả năng lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng. Những người mắc bệnh bạch hầu gặp vấn đề nghiêm trọng về hô hấp và nuốt, và họ có thể bị lở loét trên da. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu là gì? Các triệu chứng điển hình và biện pháp phòng ngừa hiệu quả của bệnh như thế nào? Hãy cùng Saovietpest tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Bệnh bạch hầu là gì?

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra.  Vi khuẩn này giải phóng độc tố gây tích tụ mô xám trong cổ họng, dẫn đến nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng). Bệnh cũng có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh bạch hầu có hai nhóm chính: bạch hầu cổ điển và bạch hầu ngoài da

Bệnh bạch hầu cổ điển: là loại bạch hầu phổ biến nhất, có khả năng ảnh hưởng lên toàn bộ vùng hô hấp trên bao gồm mũi, cổ họng, amidan và thanh quản. Các triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng trong cơ thể người bệnh. Các loại bệnh bạch hầu cổ điển thường gặp như bạch hầu họng, mũi, bạch hầu thanh quản, bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp)

Bạch hầu ngoài da: là loại bạch hầu hiếm gặp nhất, đặc trưng bởi phát ban da, xuất hiện vết lở loét hoặc mụn nước trên cơ thể. Phổ biến hơn ở các nơi thuộc vùng khí hậu nhiệt đới hoặc những nơi có mật độ dân cư đông đúc, điều kiện sống và vệ sinh chưa được tốt.

Dấu hiệu bị bệnh bạch hầu
Dấu hiệu bị bệnh bạch hầu

Nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu là gì?

Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu là vi khuẩn gram dương, hiếu khí Corynebacterium diphtheriae, tồn tại dưới 3 dạng gồm: Gravis, Mitis và Intermedius. Khi nhìn qua kính hiển vi có hình dáng thẳng hoặc cong nhẹ, không di động, không có vỏ, không sinh bào tử.

Lây lan qua các giọt bắn trong không khí khi người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho, những người ở gần có thể hít phải chúng và sau đó bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc tiếp xúc với đồ dùng của người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như khăn giấy hoặc khăn tay đã qua sử dụng.

Chạm vào vết thương bị nhiễm trùng cũng có thể lây truyền vi khuẩn gây bệnh bạch hầu do loại vi khuẩn này phát triển nhanh trong môi trường có máu và huyết thanh.

Những người có nguy cơ cao bị nhiễm bạch hầu bao gồm:

  • Bất kỳ ai không được tiêm chủng đầy đủ
  • Những người sống trong điều kiện chật chội hoặc mất vệ sinh
  • Người đi du lịch đến các khu vực mà có tỉ lệ nhiễm bạch hầu cao

Triệu chứng của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu bắt đầu phát bệnh từ 2 đến 5 ngày sau khi một người bị nhiễm bệnh. Ban đầu, người bệnh có các triệu chứng như điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn. Sau 2–3 ngày kể từ khi nhiễm trùng, mô chết trong đường hô hấp tạo thành một lớp giả mạc màu trắng ngà, dày dai, bao phủ các mô ở mũi, amidan và cổ họng, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn.
Ngoài ra còn có các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

  • Sưng hạch (hạch bạch huyết to) ở cổ
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Chảy nước mũi
  • Sốt và ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Cơ thể suy nhược
  • Chảy nước dãi
  • Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
  • Thay đổi thị lực
  • Nói lắp
  • Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh

Ở một số trường hợp, nhiễm trùng do vi khuẩn gây bệnh bạch hầu chỉ gây ra bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nào cả. Do đó những người bị nhiễm bệnh mà không biết mình đang bị bệnh có thể lây truyền bệnh cho người khác dù bản thân họ không bị bệnh. Những người này được gọi là người mang mầm bệnh bạch hầu.

Phòng ngừa bệnh bạch hầu

Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 6-10 ngày ngắn ngủi. Hiện nay, bệnh này đã có thuốc điều trị, việc tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu sẽ giúp cơ thể tạo ra miễn dịch đặc hiệu chống lại vi khuẩn gây bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm tổng cộng 6 liều vắc xin chứa kháng nguyên bạch hầu, bắt đầu từ khi trẻ được 6 tuần tuổi và tiếp tục cho đến tuổi vị thành niên để đảm bảo bảo vệ lâu dài. Cụ thể:

  • Vắc xin 6 trong 1: Được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 2 tuổi.
  • Vắc xin 5 trong 1: Được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến tròn 2 tuổi.
  • Vắc xin 4 trong 1: Được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi.
  • Vắc xin 3 trong 1: Được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
  • Vắc xin phòng ngừa bạch hầu và uốn ván: Có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, người dân có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp chứa kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng bệnh bạch hầu vừa phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.

Tiêm chủng định kỳ bổ sung

Sau loạt tiêm chủng ban đầu trong giai đoạn sơ sinh, bạn cần các mũi tiêm bổ sung vắc-xin bạch hầu để duy trì khả năng miễn dịch. Điều này là do miễn dịch với bạch hầu giảm dần theo thời gian.

Các chuyên gia khuyến nghị trẻ em đã tiêm đủ các mũi tiêm trước khi đủ 7 tuổi nên nhận mũi tiêm bổ sung đầu tiên vào khoảng 11 hoặc 12 tuổi. Mũi tiêm bổ sung tiếp theo được khuyến cáo sau 10 năm, và tiếp tục tiêm nhắc lại mỗi 10 năm sau đó. Các mũi tiêm bổ sung đặc biệt quan trọng nếu bạn đi du lịch đến khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu.

Mũi tiêm bổ sung có thể được tiêm dưới dạng vắc-xin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà (Tdap) hoặc vắc-xin bổ sung bạch hầu kết hợp với vắc-xin bổ sung uốn ván – bạch hầu (vắc-xin Td). Vắc-xin Tdap là vắc-xin dành cho thanh thiếu niên từ 11 đến 18 tuổi và người lớn chưa từng được tiêm bổ sung trước đó, và được khuyến nghị tiêm một lần trong thời kỳ mang thai, bất kể đã tiêm trước đó.

Các biện pháp phòng ngừa khác

Ngoài việc tiêm vắc xin đầy đủ và đúng thời hạn, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa sau để chủ động chống lại bệnh bạch hầu:

  • Phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc có khả năng mắc bệnh.
  • Che chắn mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên, và giữ gìn vệ sinh cơ thể mỗi ngày để hạn chế lây nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng.
  • Người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly và điều trị tích cực ngay lập tức để giảm thiểu biến chứng nguy hiểm và thúc đẩy quá trình phục hồi.
  • Vệ sinh và dọn dẹp các ngóc ngách trong nhà, bảo đảm không gian sống sạch sẽ, thoáng mát, và có đủ ánh sáng.
  • Đảm bảo ăn chín, uống sôi.
  • Các đồ dùng cá nhân như chén, bát, ly, tách uống nước cần được rửa sạch để hạn chế lây nhiễm mầm bệnh.

Bạch hầu là một căn bệnh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và phải được điều trị ngay lập tức. Nếu bạn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc nếu bạn không chắc chắn rằng việc tiêm vắc-xin của mình đã được cập nhật, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn ngay lập tức.

Rate this post
Zalo
Liên hệ >